Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính : Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 12/11/20 - 18:59

Chiều 12/11, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cần hoàn thiện thể chế, coi đó là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển, muốn đột phá phải đột phá từ thể chế.

Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là các xu thế mới, trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn "vì chưa có kinh nghiệm, thể chế pháp luật chưa hoàn chỉnh, chưa kịp cập nhật".

th1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội.

Trước mắt, cần hoàn thiện thể chế, coi đó là mục tiêu, động lực và nguồn lực cho sự phát triển. “Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Quan điểm trong xây dựng thể chế được Thủ tướng quán triệt là: quy định rõ, cụ thể những gì được làm, những gì có thể linh hoạt và mở ra không gian phát triển để giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm khi làm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. “Muốn vậy phải xây dựng thể chế rõ ràng”- Thủ tướng tái khẳng định.

th2.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Liên quan xây dựng thể chế trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng nhận định, không gian thực thế nào thì không gian ảo như vậy, quản lý đời thực thế nào phải quản lý không gian mạng như thế.

Dẫn lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", Thủ tướng cho rằng, xây dựng thể chế phải vừa phục vụ quản lý vừa mở ra không gian sáng tạo, để khuyến khích các chủ thể. Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên.

Nâng cao năng lực thực thi của các cấp

Chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp.

mtph.jpeg
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra thời gian qua, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng địa phương.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là vấn đề lớn, đã nói nhiều và đã thực hiện. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 Nghị quyết, bổ sung thay thế 27 Nghị định.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn vướng mắc về phân cấp phân quyền. Vướng chủ yếu tập trung ở Trung ương, phải nói thật là như vậy. Đây là nút thắt lớn.

Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại các quy định của pháp luật; rà soát lại thể chế; rà soát lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan để tính toán lại việc phân cấp phân quyền; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường giám sát kiểm tra.

Thủ tướng nhấn mạnh, phân cấp phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp để đảm bảo phân cấp phân quyền nhưng có nguồn lực và năng lực thực thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính : Muốn đột phá phải đột phá từ thể chế