Chính trị

Thủ tướng trực tiếp đối thoại về 6 nhóm vấn đề người nông dân quan tâm

Hồng Kiều 30/12/2023 - 13:59

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng Bộ trưởng các bộ, ngành, tổ chức.., kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố với Thường trực Hội Nông dân các cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Dương Giang: TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Dương Giang: TTXVN)

Ngày 30/12, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững" sẽ diễn ra với sự tham gia 300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, trong đó có trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng Bộ trưởng các bộ, ngành, tổ chức... Hội nghị cũng sẽ được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; Thường trực tỉnh, thành Hội Nông dân, thường trực Hội Nông dân cấp huyện; đại diện các nông dân tiêu biểu...

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện.

Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và cần có giải pháp tháo gỡ để phục vụ hội nghị đối thoại năm nay.

Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã có gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân cả nước gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Điều đó thể hiện niềm tin, kỳ vọng lớn của bà con nông dân tới Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 6 nhóm vấn đề, bà con nông dân quan tâm, muốn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giải đáp.

Nhóm vấn đề thứ nhất là bà con nông dân mong muốn Chính phủ có các chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Thứ hai là nhiều ý kiến, đề xuất, nguyện vọng quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành.

luagao-5892.jpg
Bà con nông dân quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ khi tham gia Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: PV/Vietnm+)

Nhóm vấn đề thứ ba là nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp như hỗ trợ, trang bị thiết bị chuyển đổi số, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số.

Nhóm vấn đề thứ tư là về các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông dân, nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.

Thứ năm là các ý kiến, kiến nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa khoa học; quy hoạch, phát triển công nghiệp, làng nghề chưa khoa học, thiếu tính khả thi… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và ngày càng hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Nhóm vấn đề cuối cùng là các ý kiến, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân như: Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp, ở đô thị hay đi xuất khẩu lao động (do hết hạn hợp đồng, do dịch bệnh, do tuổi tác, sức khỏe, kỹ năng, tay nghề không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI) quay về nông thôn…

Theo Ban Tổ chức, dự kiến có khoảng 20-30 ý kiến theo 6 nhóm vấn đề sẽ được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, cũng như nhu cầu chính đáng của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh./.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức năm 2018 tại tỉnh Hải Dương, Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ năm 2019, hội nghị lần thứ ba tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) năm 2020 và hội nghị lần thứ tư được tổ chức tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng trực tiếp đối thoại về 6 nhm vấn đề người nng dân quan tâm