Thủ tướng đề nghị trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoi cần thường xuyên suy nghĩ, tìm hiểu cái gì c lợi cho đất nước thì phải báo ngay, kể cả gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng v khẳng định "việc gì c lợi cho Tổ quốc sẽ chỉ đạo thực hiện ngay".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Ngày 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và nhấn mạnh nội dung trên trong bài phát biểu tại Hội nghị.
Chủ động tham gia sân chơi kinh tế toàn cầu
Nhấn mạnh những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới có đóng góp to lớn của ngành ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng những thành tựu kinh tế-xã hội mà chúng ta đạt được vẫn còn ở mức độ khiêm tốn so với mặt bằng chung và nhịp độ phát triển của thế giới. Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 38 và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 133, chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới. Nguy cơ tụt hậu kinh tế xa hơn là rất hiện hữu. Chúng ta đi nhanh, nhưng người khác còn đi nhanh hơn ta. Làm sao để bản thân chúng ta giữ được tốc độ cũ cũng là vấn đề, vì nước ta gặp nhiều trở ngại.
Là quốc gia có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, chúng ta dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và sẽ chịu những tác động từ bên ngoài, phải đáp ứng những luật chơi tầm quốc tế mà chúng ta đang vấp phải. “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới của thế giới, khi mà các nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm chắc tay hơn nữa, công tác dự báo chiến lược luôn có sự nhạy bén, tinh thần thường trực đối phó với những cú sốc bên ngoài. Ai làm việc đó? Làm ăng ten và báo cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân chính là ngành ngoại giao”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ về xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Thủ tướng cho rằng, phải phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng nghĩa với việc thị trường xuất khẩu phải rộng lớn hơn, hàng hóa Việt Nam có mặt khắp thế giới. Do đó, các sứ quán, từng cá nhân các đại sứ cần phối hợp hành động, phải là cầu nối thông tin liên kết có hiệu quả với nhà sản xuất, người tiêu dùng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, để bảo vệ và thúc đẩy các quyền và lợi ích doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng cho rằng các nhà ngoại giao phải năng động, tích cực, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phải tham gia chủ động vào các đối thoại chiến lược chính sách, hoạch định luật chơi, sân chơi kinh tế toàn cầu. Không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin, lạc lối về thể chế và luật lệ ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận những việc doanh nghiệp, nhà cung ứng của chúng ta bị chèn ép, bất công, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia.
Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn cũng đồng nghĩa với việc ngành du lịch Việt Nam phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới. Các sứ quán, từng cá nhân đại sứ phối hợp với các bộ, ban, ngành, tháo gỡ những nút thắt về thể chế, hoạch định những chính sách để trả lời thật tốt 5 câu hỏi. Làm thế nào để khách đến Việt Nam đông hơn, bao giờ thì chúng ta bằng Thái Lan; làm thế nào để khách ở lại Việt Nam lâu hơn, khách chi tiêu nhiều hơn; để khách quay trở lại; làm thế nào để khách kể về những câu chuyện văn hóa, con người và cảnh quan tươi đẹp của Việt Nam.
“Nếu Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn đến thị trường nào thì đại sứ và sứ quán ở thị trường đó thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao phải gắn bó, hợp tác chặt chẽ với các bộ, địa phương có liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là 63 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó ngoại giao là nòng cốt kết dính, là người đồng hành, xúc tác đắc lực cho các ngành và các địa phương bởi trong nước có ít thông tin.
Đi liền với đó là cán bộ ngoại giao, ngoài kiến thức, phẩm chất chính trị, phải có kiến thức kinh tế, nắm tình hình, hiểu tình hình kinh tế đất nước.
5 vấn đề mấu chốt
“Tôi đã nhiều lần nói về quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tinh thần này không những phải được quán triệt, thấm nhuần, mà phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, sáng kiến cụ thể, kết quả cụ thể, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương và các nhà ngoại giao”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên suy nghĩ, tìm hiểu cái gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng. “Tôi rất lắng nghe các đồng chí việc gì có lợi cho Tổ quốc, tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không làm đến nơi đến chốn để giải quyết”.
Về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ kiến tạo đối với ngành ngoại giao trong giai đoạn mới, bài toán lớn đặt ra là làm sao để Việt Nam có thể lái con thuyền của mình giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn với xu thế chủ đạo của khu vực và thế giới. Qua đó tận dụng và xác lập được vị thế của mình trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cũng như tạo vị thế vững chắc về đối ngoại để giữ vững hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển đồng thời phát huy vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cân bằng được lợi ích của các nước lớn, phát huy tối đa thế và lực của đất nước, dựa trên các giá trị cơ bản của hệ thống quốc tế như luật pháp quốc tế và các định chế quốc tế, làm sao để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế của Việt Nam. Đây là nhiệm vụ, thách thức chủ đạo đối với ngành ngoại giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị
Để giải quyết bài toán trên, Thủ tướng cho rằng ngành ngoại giao cần tập trung vào 5 vấn đề mấu chốt.
Thứ nhất, cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Chúng ta không thể cái gì cũng làm bởi vì nguồn lực, thời gian và đặc biệt là thời cơ đều có hạn. Cần xác định đâu là những lợi ích quốc gia cốt lõi trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và phát huy ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế. Cần xác định đâu là những vấn đề bất biến, không thể xâm phạm, đâu là những lợi ích có thể dung hòa được với các nước khác. Đó cũng là vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngoại giao: Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Điều gì hợp tác được thì cần hợp tác chặt chẽ, tay nắm chặt tay, điều gì vướng mắc thì cần khôn khéo, hóa giải tương khắc và tận dụng tương đồng. Cùng nhau tìm chữ “đồng” là rất quan trọng trong ngoại giao.
Theo Thủ tướng, không nên tư duy rằng mỗi quốc gia là một thể thống nhất như bề ngoài họ thể hiện; cần hiểu rằng trong nội tại mỗi quốc gia đều có tiếng nói đa chiều, có luồng quan điểm và hệ giá trị phù hợp với chúng ta. Cái tài hoa của người làm ngoại giao là làm sao tìm ra những thành phần và tiếng nói đó, để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Đó là cơ sở tối quan trọng nhằm tìm thêm đối tác, bớt đi “đối tượng”, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa, tập trung hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, ASEAN, ASEM, APEC…
Đặc biệt Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, thống nhất thực sự, đồng thuận thực sự, hài hòa.
Việt Nam đang và sẽ là điểm giao thoa của những không gian kinh tế cũng như khu vực tự do thương mại chủ chốt của thế kỷ 21. Bối cảnh này đòi hỏi các đại sứ, đại diện thương mại Việt Nam ở các quốc gia, tổ chức đa phương và khu vực địa lý khác nhau phải thường xuyên trao đổi thông tin, tham vấn lẫn nhau trong chiến lược tổng thể của ngành ngoại giao.
Thứ ba, ngoại giao cần chủ động đề xuất triển khai phối hợp tốt với trong nước. Hoạt động ngoại giao không chỉ nằm ở Bộ Ngoại giao mà cần sự hỗ trợ tích cực từ trong nước, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các hoạt động ngoại giao kinh tế, phát triển cần quán triệt phương châm tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng. Các vị đại sứ, đại diện thương mại ở các nước phải thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời với nhau và với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong nước để có sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất. Phải làm cho doanh nghiệp và 63 địa phương ở nhà hiểu rõ hơn các cơ hội về thị trường, đâu là nơi có lợi nhất, đâu là nơi cần để ý, xem xét nhất.
“Các đồng chí suy nghĩ xem cần giải pháp đột phá gì để thu hút nguồn lực đầu tư, nhân tài, chất xám của thế giới, đặc biệt từ những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.
Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại. Làm sao để hội nhập sâu rộng mà không mất chế độ, không thay đổi bản chất của Đảng ta, thực hiện tốt Hiến pháp. Muốn vậy không chỉ có ngành ngoại giao làm công tác đối ngoại mà từng cấp, từng ngành, từng địa phương phải biết làm đối ngoại, chăm lo công tác đối ngoại thuộc phạm vi mình phụ trách.
Thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có chất lượng là nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại, kinh tế đối ngoại.
Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho từng đại sứ và các thương vụ nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về những vấn đề nêu trên, coi đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hoạt động của các cơ quan này, đồng thời cần rà soát các cơ chế, chế độ tài chính nhằm bảo đảm đời sống cán bộ tại cơ quan đại diện ngoại giao bao gồm cả việc bảo đảm vị thế đối ngoại quốc gia trong các hoạt động đối ngoại, nhất là các địa bàn trọng điểm.
Thứ năm là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất cho hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại. “Các đồng chí không chỉ là cánh tay nối dài, là tai, là mắt ở trong nước mà các đồng chí chính là hình ảnh Việt Nam”, Thủ tướng nói và cho rằng các cán bộ ngoại giao cần hòa đồng hơn nữa vào xã hội mà mình đang làm việc để nắm rõ cấu trúc xã hội, các xu thế vận động và biết được lợi ích của Việt Nam có thể có được nằm ở lĩnh vực nào, khu vực nào. Phải hòa đồng với cộng đồng doanh nghiệp sở tại mới kết nối được cho các doanh nghiệp Việt Nam, hiểu rõ nhu cầu thị trường thì mới biết được sản phẩm nào của Việt Nam có thể tiêu thụ được, kết thân với cộng đồng khoa học để tìm kiếm cơ hội về công nghệ cho đất nước. “Đừng kín cổng cao tường quá. Tôi cũng nói với các đồng chí, một số đại sứ của nước ngoài ở Việt Nam từng đạp xe xuyên Việt, tìm hiểu ẩm thực Việt Nam, chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí thả chim bồ câu nhân ngày rằm, cùng với Thủ tướng đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Người ta hiểu văn hóa như vậy, sâu sắc như vậy”, Thủ tướng lấy ví dụ với các cán bộ ngoại giao.
Thủ tướng cho rằng giai đoạn mới, tình hình mới sẽ đòi hỏi sự nhạy bén và tinh thần cầu thị, linh hoạt, sẵn sàng chuyển mình để đứng đầu sóng ngọn gió đưa đất nước tiếp tục ra biển lớn. Nhà ngoại giao chuyên nghiệp của thời đại mới sẽ phải kiêm vai trò là nhà kinh tế, học giả, xúc tiến đầu tư, những nhà văn hóa Việt Nam. Ngoại giao sẽ là nền tảng, là tiền đề, là kết nối đầu tiên cho mọi viễn cảnh hợp tác, đó là những trọng trách lớn lao không ít gian nan nhưng đó cũng là sứ mệnh cao cả, đáng tự hào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng ở ngành ngoại giao. Đảng và Nhà nước ta luôn có một niềm tin bất biến ở các cán bộ ngoại giao.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Ngoại giao cần thí điểm đánh giá kết quả ngoại giao kinh tế của các cơ quan đại diện một cách cụ thể dựa trên quy tắc đánh giá là phản hồi của người hưởng lợi, ở đây là người dân, cộng đồng doanh nghiệp… để khen thưởng xứng đáng.
Các đại sứ, trưởng đại diện thương mại, các nhà ngoại giao Việt Nam của thế kỷ 21 phải gánh vác trọng trách lớn lao trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, số hóa, mang trong mình vai trò kiến tạo phát triển đất nước trong một thế giới đầy cạnh tranh phức tạp và bất định. Đó là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng với truyền thống vẻ vang được hun đúc qua nhiều thế hệ và đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, trưởng thành trong công tác đối ngoại, Chính phủ tin tưởng rằng các cán bộ ngoại giao sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, Thủ tướng khẳng định.