Ngày 18/02 (nhằm ngày 9 tháng Giêng), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội đền Huyền Trân tại núi Ngũ Phong (nay là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - 1 Thiên Thai, phường An Tây) nhằm tưởng nhớ ngày mất của Bà.
Lễ hội đền Huyền Trân năm nay diễn ra trong hai ngày 17-18/2, lễ hội như một lời nhắc nhở thế hệ hiện tại về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ để tri ân và ghi nhận công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân - người đã có những đóng góp vĩ đại vào việc mở rộng bờ cõi và gấm vóc của dân tộc về phía nam, góp phần xây dựng nên vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.
Lễ hội nằm trong chương trình “Lễ hội mùa xuân của Festival Huế năm 20”, chương trình nhằm quảng bá đến với du khách thập phương những hình ảnh, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam.
Chương trình khai mạc của lễ hội bắt đầu bằng một buổi biểu diễn nghệ thuật sử thi đặc sắc mang chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”, tái hiện lại cuộc đời và công lao vĩ đại của Công chúa Huyền Trân.
Hơn 700 năm trước, với tinh thần hy sinh cao cả, Bà đã dấn thân "Nước non ngàn dặm ra đi…/Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly", để mang lại sự thịnh vượng cho vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế trong lịch sử quốc gia.
Tiếp đến là Lễ dâng hương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, hội đồng tộc trưởng làng An Cựu cùng nhân dân du khách tham gia tại lễ hội. Hoạt động này nhằm cầu nguyện cho sự phồn thịnh và bình an cho đất nước, mong muốn một mùa màng bội thu, cuộc sống êm đềm và hạnh phúc cho nhân dân, cũng như sự hưng thịnh và phát triển của đất nước.
Sau phần lễ trọng thể, Lễ hội đền Huyền Trân tiếp tục với các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao; biểu diễn ca múa nhạc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn ca huế, nghệ thuật bài chòi, các trò chơi dân gian, hoạt động vui chơi, giải trí như biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, triển lãm mỹ thuật, trình diễn áo dài truyền thống, trình diễn thư pháp, không gian trà, trình diễn nghề làm bánh ngũ sắc, trình diễn nghề chằm nón lá và nón lá sen, trình diễn tò hè, giới thiệu sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên...
Lễ hội đền Huyền Trân không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân người anh hùng Công chúa Huyền Trân mà còn là dịp để cả cộng đồng hiệp lực, gắn kết và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.