Đời sống

Tích cực phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

Khánh Thuỳ 10/05/20 20:33

Ngày 10/5, Sở Tư pháp và Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên địa bàn.

Theo nội dung phối hợp, sau khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc họ tự nhận là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.

z5428305751359_eb664446f49e85be445de3f7c8cfa4f4.jpg
Sở Tư pháp và Công an tỉnh Kiên Giang ký kết kế hoạch phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Sau khi tiếp nhận thông tin, người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp cùng với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý. Người trực khi đến trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã, người trực xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, công an cấp xã căn cứ theo điều kiện trụ sở thực tế và đặc thù công việc để bố trí địa điểm phù hợp cho người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý. Người hỗ trợ trực có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của người trực. Trong quá trình phối hợp thực hiện việc trực, nếu có vấn đề phát sinh, lãnh đạo các cơ quan (cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, công an cấp xã, Trung tâm Trợ giúp pháp lý) cùng trao đổi, thống nhất giải quyết.

Theo ông Bùi Đức Độ, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Kiên Giang, phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự nhằm tăng số lượng người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao vị thế, vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự. Bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự.

Để đạt hiệu quả cao trong công tác trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự, theo ông Độ, việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi bên. Cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức; chủ động, tạo điều kiện thuận lợi để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt hiệu quả thiết thực.

z5428305674061_beb516a113c823ea8cae3e231d680cec.jpg
Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Phát biểu tại lễ ký kết, Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang khẳng định, đơn vị sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ sở giam giữ, Công an xã phối hợp với Sở Tư pháp để thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực; thống kê việc gọi điện cho người trực, người hỗ trợ trực; bố trí địa điểm, điều kiện phù hợp để người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, gặp gỡ, làm việc với người được trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phối hợp này tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự