Sau khi Báo Công lý có bài viết “Gia Lai: Chợ xã Ia Hla đầu tư hơn 3 tỷ nhưng bị tiểu thương "quay lưng", nói về sự lãng phí và xuống cấp trầm trọng của chợ xã khi tiểu thương không vào buôn bán. Ngay sau đó, UBND xã đã có văn bản đề nghị huyện cử lãnh đạo xuống giúp đỡ.
Cụ thể, tại Báo cáo số 122/BC-UBND ngày 16/9, do Chủ tịch UBND xã Ia Hla ký, gửi UBND huyện Chư Pưh, Gia Lai và một số phòng ban của huyện nói rõ thực trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) và quá trình vận động nhân dân, tiểu thương vào chợ buôn bán. Đặc biệt, xã còn “nhờ” UBND huyện và lãnh đạo huyện về xử lý.
Cụ thể, báo cáo thể hiện, tại ngã tư thôn Tai Pêr, xã Ia Hla có hộ gia đình, người buôn bán vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT. Trong đó, có 12 hộ vi phạm xây dựng nhà ở, công trình, buôn bán hàng tạp hóa lấn chiếm hành lang ATGT và 12 người là tiểu thương không có nhà và đất tại vị trí này nhưng buôn bán, họp chợ trái quy định. Trong số đó, có những hộ lấn chiếm hành lang ATGT lên đến 130-147m2.
Đến nay, UBND xã đã cùng với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra về hành lang ATGT và an toàn vệ sinh thực thẩm 12 cơ sơ kinh doanh cố định và 8 tiểu thương buôn bán di động. Cùng với đó, lực lượng công an xã, tổ ATGT công an xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính 04 trường hợp vi phạm và đã ban hành 12 quyết định buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với 12 hộ gia đình xây dựng nhà, công trình lấn chiếm hành lang ATGT.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, một phần UBND xã cho rằng Công an xã xử phạt không đầy đủ, thường xuyên để hành vi họp chợ trái quy định và không thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm đậu, đỗ xe trái phép. Ngoài ra, các hộ gia đình có nhà, công trình xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT rất khó để cưỡng chế.
Nguyên nhân được xác định là do các hộ đã xây dựng nhà, công trình từ hàng chục năm trở về trước, một số hộ có giấy CNQSD đất sát lòng, lề đường. Khi tiến hành cưỡng chế tháo dỡ sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người dân (có thể lên đến vài trăm triệu, có hộ phải tháo dỡ nửa căn nhà), người dân phản ứng quyết liệt, gây mất an ninh trật tự…
Từ những thực trạng và nguyên nhân trên, UBND xã đã đề nghị lên UBND huyện rất nhiều nội dung.
Cụ thể: Đề nghị phân công lãnh đạo UBND huyện trực tiếp về đối thoại với các tiểu thương để vận động tiểu thương vào chợ; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện về làm việc trực tiếp với xã để tìm giải pháp hiệu quả nhất trong công tác đưa chợ vào hoạt động; kiến nghị lên cấp trên lắp đặt đèn xanh, đèn đỏ tại ngã tư thôn Tai Pêr, xã Ia Hla; hỗ trợ kinh phí cho nhân viên bảo vệ chợ sau khi UBND xã hoàn thành hạng mục xây nhà bảo vệ chợ và cho công tác vận động tiểu thương vào chợ.
Cùng với đó, chỉ đạo Trưởng Công an huyện yêu cầu Trưởng Công an xã thực hiện đúng quy định của Pháp luật, xử phạt nghiêm hành vi họp chợ trái quy định theo điểm d, khoản 2, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ – CP của Chính phủ. Xử phạt hành vi đậu, đỗ xe trái quy định theo Điều 5 và Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ –CP của Chính phủ.
Ngoài ra, xã này cũng kiến nghị Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh của các hộ cố tình lấn chiếm hành lang ATGT để làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Về những giải pháp sắp tới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào chợ để kinh doanh, buôn bán. Ban hành thông báo yêu cầu các tiểu thương chấm dứt ngay hành vi vi phạm của mình.
Lực lượng công an xã, Tổ ATGT công an xã, Trưởng Công an xã thực hiện quyết liệt, thường xuyên việc xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm… Các thôn, làng khẩn trương họp dân để thông báo, vận động nhân dân vào chợ kinh doanh, buôn bán.
Đặc biệt, đến cuối tháng 9, Ban Quản lý Chợ phải hoàn thành đấu giá các lô, sạp trong nhà lồng chợ. Tiến hành xây dựng Nhà bảo vệ và hợp đồng nhân viên bảo vệ; tiến hành đối thoại với các Tiểu thương hoàn thành trước ngày 20/9/20...
Trước đó, như Báo Công lý đã thông tin, Chợ xã Ia Hla được xây dựng xong vào năm 2020, do Ban Quản lý dự án huyện Chư Pưh làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng cách trung tâm xã khoảng 200-300m.
Năm 2021, chủ đầu tư đã bàn giao cho cấp xã quản lý và sử dụng. Đáng nói, dù chợ được đầu tư khang trang, nhưng các tiểu thương, người dân chỉ vào buôn bán được một thời gian, rồi “quay lưng” đi buôn bán ở một ngã ba của xã. "Điều này, khiến cho mục đích xây dựng chợ không phát huy hết công năng vốn có. Ngoài ra, việc tụ tập buôn bán ở ngã ba, dễ xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", một người dân địa phương cho biết.
Đến nay, rất nhiều hạng mục phụ trợ như đường dây điện, bóng điện của chợ bị đập phá, hư hỏng. Tại nhà vệ sinh, kính cửa bị vỡ vụn rất nhếch nhác, phản cảm… Lồng chính có dấu hiệu bị đốt lửa và bong tróc gạch ở một số trụ chính.