Chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vo Việt Nam sáng nay (21/12), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.
Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan. Dự tại các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Đây là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Thủ tướng cho biết, năm 2019, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên 4 bậc, từ 67 lên hạng 63/140 quốc gia. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua đã làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu.
Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách để ngành du lịch sớm phục hồi, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài và mở cửa du lịch từ /3/2021, trước nhiều nước trong khu vực; khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế với COVID-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh từ ngày /5/2022; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số….
Ở trong nước, đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan, thị trường du lịch Việt Nam đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa, song lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế so với một số nước trong khu vực.
Thủ tướng nêu rõ, tại hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia phân tích nguyên nhân, trách nhiệm trong thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Trong đó, cần xem xét tính đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch; tính đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; tầm mức truyền thông, quảng bá du lịch; xem xét việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch...
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Việt Nam là đất nước đặc trưng, có nền văn hoá đặc sắc, có nhiều di sản. Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.
Thủ tướng mong các đại biểu cùng suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hơn 2 năm qua, du lịch Việt Nam là một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, nguồn doanh thu giảm sâu. Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải thu hẹp kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, thậm chí giải thể, phá sản. Một lượng lớn người lao động buộc phải chuyển đổi ngành nghề, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, chỉ số năng lực phát triển du lịch năm 2021 của Việt Nam vẫn tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới.
Từ tháng 3/2021, Việt Nam đã mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Mặc dù mở cửa đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng việc tận dụng thời cơ này để phát triển còn hạn chế, sự phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ VHTTDL, Y tế, Công an, Ngoại giao, GTVT, TT&TT và các cơ quan truyền thông, báo chí còn chưa hiệu quả như mong muốn.
Thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú, y tế, hàng không... còn bất cập; Chưa thu hút được nhiều khách du lịch chất lượng cao; số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra.