Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử vì khác biệt bản sắc; PAHO cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron tại châu Mỹ; EMA khuyến nghị tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng để ngừa COVID-19… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử vì khác biệt bản sắc
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế tưởng nhớ và phẩm giá của những nạn nhân của tội ác diệt chủng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/12 nhấn mạnh ngày nay diệt chủng vẫn là một nguy cơ thực sự. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần không có phản ứng hợp tác, nhanh chóng và dứt khoát để ngăn chặn nạn diệt chủng và các tội ác tàn bạo.
Tổng Thư ký LHQ nêu rõ cần phải loại bỏ sự phân biệt đối xử chỉ vì khác biệt bản sắc và phải nhận thức được rằng "đa dạng chính là sức mạnh". Theo ông, các quốc gia có trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng, nhưng điều này không thể đạt được nếu thiếu sự tham gia của mọi thành phần xã hội.
Nga nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Armenia, Azerbaijan
Bộ Quốc phòng Armenia ngày 9/12 xác nhận Azerbaijan đã bắt đầu nã pháo dữ dội vào các vị trí quân sự của nước này ở tỉnh Gegharkunik. Trong khi đó, Azerbaijan trước đó cùng ngày thông báo 1 binh sĩ của nước này đã bị sát hại ở khu vực biên giới với Armenia, đồng thời cáo buộc rằng đây là hành vi khiêu khích của phía Armenia.
Thủ tướng Đức kêu gọi sẵn sàng nguồn lực ứng phó với khủng hoảng
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 9/12 cho rằng đại dịch COVID-19 hiện nay là thách thức lớn đầu tiên mà chính phủ mới của ông phải đối mặt và Berlin sẽ phải tạo ra nguồn dự trữ tài chính để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Liên minh cầm quyền “Đèn giao thông” - gồm các đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) - trước đó đã nhất trí bổ sung một khoản ngân sách trị giá hơn 50 tỷ euro cho một quỹ đặc biệt nhằm đẩy mạnh đầu tư công hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Dự kiến, nguồn ngân sách bổ sung này sẽ được Chính phủ Đức đưa ra để thông qua vào giữa tuần tới.
Pháp kêu gọi nâng cao hơn nữa vai trò của EU trên thế giới
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/12 khẳng định nỗ lực củng cố chủ quyền của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là tại các khu vực biên giới, sẽ là ưu tiên chính của nước này khi Paris đảm nhiệm cương vị chủ tịch của khối từ ngày 1/1/2022.
Iran và các cường quốc nối lại đàm phán tại Vienna nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA
Đặc phái viên hạt nhân của Nga, ông Mikhail Ulyanov cho biết các cuộc đàm phán cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 20 chính thức được nối lại tại Vienna (Áo) vào ngày 9/12.
Tham gia đàm phán là các đại diện của Iran, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc. Ngoài ra còn có các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ vì Tehran từ chối tiếp xúc trực tiếp với Washington. Đặc phái viên của Mỹ, ông Rob Malley sẽ tới Vienna vào cuối tuần này.
PAHO cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron tại châu Mỹ
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) lên tiếng cảnh báo với việc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho đến nay đã xuất hiện tại Argentina, Brazil, Canada, Chile, Mexico và Mỹ, khả năng biến thể này lây lan sang các quốc gia khác tại châu Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
EMA và WHO: Các ca nhiễm biến thể Omicron đến nay hầu hết là thể nhẹ
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 9/12 cho biết các ca nhiễm biến thể Omicron đến nay dường như hầu hết là thể nhẹ, song vẫn thận trọng rằng cần điều tra thêm liệu biến thể này có thể khiến bệnh nặng lên hay không.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở châu Phi, song có nhiều dấu hiệu hy vọng khi các dữ liệu sơ bộ cho thấy số ca nhập viện ở Nam Phi khá thấp.
Sáu quốc gia Mỹ Latinh khó đạt mục tiêu tiêm chủng
Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra theo hình thức trực tuyến, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết, mặc dù phần lớn người dân châu Mỹ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, song PAHO vẫn lo ngại 6 nước gồm Guatemala, Haiti, Jamaica, Saint Vincent và Grenadines, Saint Lucia và Grenada sẽ không hoàn thành mục tiêu chủng ngừa cho 40% dân số vào năm 2021, đặc biệt là Haiti.
Trên 100 triệu dân Indonesia đã tiêm đủ hai liều vaccine
Số liệu thống kê Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 8/12, đã có trên 100,8 triệu người dân ở Indonesia được tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 144 triệu người đã tiêm liều thứ nhất.
Trưởng cơ quan truyền thông và dịch vụ công - Bộ Y tế Indonesia, bà Widyawati cho biết với số liệu trên, số người tiêm ít nhất một mũi vaccine mới đạt 69,23% mục tiêu đề ra, trong khi tỷ lệ đã tiêm đủ 2 mũi là 48,4%.
Italy gần đạt mốc 100 triệu lượt tiêm phòng
Số liệu của Chính phủ Italy cho biết sau 12 tháng triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19, nước này ghi nhận 99.792.722 lượt tiêm và đang đứng đầu châu Âu với tỷ lệ tiêm là 168,4 liều/100 dân.
EMA khuyến nghị tiêm mũi vaccine bổ sung sau 3 tháng để ngừa COVID-19
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ có tác dụng khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 bổ sung sau 3 tháng kể từ khi tiêm đủ hai mũi. Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng đến mức "lo ngại đặc biệt" trong khu vực.
Singapore chính thức thu phí điều trị với bệnh nhân không tiêm phòng
Kể từ ngày 8/12, Chính phủ Singapore chính thức bắt đầu thu phí điều trị với những bệnh nhân mắc COVID-19 không tiêm phòng. Trái lại, những người đã tiêm vaccine vẫn sẽ được miễn các chi phí này.
Anh thử nghiệm phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho hàng nghìn người dễ bị tổn thương
Chính phủ Anh ngày 8/12 tuyên bố hàng nghìn người dễ tổn thương nhất tại Vương quốc Anh sẽ là những người đầu tiên trên thế giới được tiếp cận phương pháp điều trị kháng virus và kháng thể tiên tiến nhất.
Chương trình nghiên cứu quốc gia có tên “PANORAMIC” do Đại học Oxford phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu thực hiện, đã được khởi động và đang thu nhận khoảng 10.000 bệnh nhân tại Anh có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 để điều trị bằng thuốc Molnupiravir tại nhà sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính.
Israel kéo dài thời gian cách ly đối với bệnh nhân nhiễm Omicron
Bộ Y tế Israel thông báo kéo dài thời gian điều trị cách ly đối với những người nhiễm biến thể Omicron từ 10 ngày lên 14 ngày. Các trường hợp mắc biến thể khác chỉ cần cách ly 10 ngày. Biện pháp này được đưa ra do quan ngại thời gian mắc bệnh của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có thể kéo dài hơn so với bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Trung Quốc cấp phép sử dụng thuốc kháng thể trong điều trị COVID-19
Ngày 8/12, Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (NMPA) thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc kháng thể của công ty công nghệ sinh học Brii Biosciences trong điều trị COVID-19.
Theo đó, liệu pháp “cocktail kháng thể” gồm các kháng thể đơn dòng BRII-196 và BRII-198 của công ty Brii Biosciences đã được phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình nhưng có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Thuốc này có thể sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Brazil cách ly du khách chưa tiêm vaccine
Kể từ ngày 11/12, tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Brazil, dù là công dân nước này hay khách nước ngoài, đều phải thực hiện chế độ cách ly bắt buộc 5 ngày và xét nghiệm PCR sau đó.
Thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil ngày 9/12 nêu rõ du khách đến quốc gia Nam Mỹ này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và giấy chứng nhận đã được tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày với các loại vaccine được Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa), WHO hoặc các cơ quan liên quan chấp thuận.
IATA kêu gọi các nước hủy lệnh cấm đi lại
Ngày 9/12, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kêu gọi chính phủ các nước tuân thủ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dỡ bỏ ngay các hạn chế đi lại được áp đặt để ngăn lây lan biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
LHQ kêu gọi các nước Nam Á mở lại hoàn toàn trường học
Ngày 9/12, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi các quốc gia Nam Á nên cho phép các trường học mở cửa trở lại hoàn toàn để trên 400 triệu trẻ em không tiếp tục bị gián đoạn học tập.
Báo cáo của UNICEF kêu gọi các chính phủ ở các nước Nam Á nối lại việc dạy học trực tiếp một cách an toàn và đảm bảo các học sinh có thể bắt kịp, cũng như cải thiện khả năng kết nối.
Áo hủy sự kiện vũ hội Opera Ball
Trong thông báo ngày 8/12, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề văn hóa Áo Andrea Mayer nhấn mạnh việc giữ nguyên kế hoạch tổ chức Vienna Opera Ball vào ngày /2/2022 sẽ gửi đi một "tín hiệu sai" trong bối cảnh nước này mới chỉ bắt đầu thoát khỏi lệnh phong tỏa một phần. Bà Mayer nhấn mạnh "Opera Ball là sự kiện điển hình không thể thực hiện giãn cách xã hội".
Đan Mạch tái áp đặt biện pháp kiểm soát dịch
Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa các trường học, giảm hoạt động kinh doanh ban đêm và khuyến khích người dân làm việc tại nhà. Trong một tuyên bố ngày 8/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết thêm chính phủ sẽ kéo dài đợt nghỉ Giáng sinh thêm 4 ngày cho học sinh, tức là từ ngày /12/2021 đến ngày 5/1/2022.
Thành phố Rio de Janeiro của Brazil sẽ tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới
Ngày 9/12, chính quyền thành phố Rio de Janeiro của Brazil, một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới, quyết định sẽ tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới tại 10 bãi biển lớn nhất của thành phố này vào đêm cuối cùng của năm 2021.
Sự kiện này thay thế lễ hội truyền thống Reveillon đã bị hủy bỏ do lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19 sau khi những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện.
Hàng nghìn người Cameroon tràn sang CH Chad tránh xung đột
Ngày 9/12, Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa Chad cho biết xung đột giữa nhóm ngư dân thuộc cộng đồng Musgum và những người chăn nuôi Choa thuộc sắc tộc Arab xung quanh thị trấn Kousseri đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4 người. Hàng nghìn người Cameroon chạy trốn bạo lực đã tìm nơi ẩn náu bằng cách vượt sông Chari tới gần thủ đô N'Djamena của CH Chad.
Xảy ra sự cố tại đường ống dẫn khí ngưng tụ ở Tây Nam Iran
Hãng thông tấn bán chính thức FARS của Iran cho biết một đường ống dẫn khí ngưng tụ dài 25,4m tại cơ sở lọc dầu Parsian, Tây Nam Iran, đã phát nổ ngày 9/12. Theo thông tin ban đầu, sự cố xảy ra sau khi một chiếc máy xúc húc phải đường ống này.
Trung Quốc cảnh báo các quốc gia tẩy chay Olympic sẽ phải 'trả giá'
Ngày 9/12, Trung Quốc cảnh báo Australia, Anh và Mỹ sẽ phải trả giá cho những hành động sai lầm khi quyết định không cử phái đoàn chính phủ tới Thế vận hội Mùa đông diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 2/2020.
Không quân Ấn Độ mở cuộc điều tra vụ rơi trực thăng quân sự
Ngày 9/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết Không quân Ấn Độ (IAF) đã mở cuộc điều tra vụ rơi trực thăng quân sự xảy ra trước đó một ngày, khiến Tổng tham mưu trưởng, Tướng Bipin Rawat, cùng vợ ông và 11 người khác thiệt mạng.
Evergrande lần đầu tiên bị tuyên bố phá sản vì mất khả năng chi trả
Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã đưa ra công bố về phá sản hạn chế đối với Evergrande, tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, với lý do nhà phát triển bất động sản này đã không thể thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá 82,5 triệu USD phát hành bằng đồng USD sau khi hết thời hạn “vùng xám” 30 ngày hôm 6/12.
Italy phạt Amazon 1,28 tỷ USD vì lạm dụng vị trí thống trị thị trường
Ngày 9/12, Cơ quan chống độc quyền của Italy (AGCM) đã phạt gã khổng lồ thương mại điện tử của Mỹ Amazon 1,13 tỷ euro (1,28 tỷ USD) vì "lạm dụng vị trí thống trị" thị trường, hình phạt thứ hai mà họ đã áp đặt đối với Amazon.