Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Mexico – Canada; Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới; Nhật Bản nâng giới hạn nhập cảnh lên 5.000 người/ngy… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Mexico - Canada
Ngày 18/11 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Lopez Obrador tại Nhà Trắng.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, ba nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Mexico tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế, đặc biệt thúc đẩy lục địa Bắc Mỹ an toàn, thịnh vượng và trở nên tự cường hơn để đối phó với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy mối quan hệ đối tác nhằm giải quyết các thách thức trong khu vực và trên thế giới; xây dựng dựa trên nỗ lực của các bên để quản lý đại dịch COVID-19; giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và tìm cách tiếp cận phối hợp để quản lý di cư.
Giới chức Nga - Mỹ chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương mới
Giới chức an ninh Nga - Mỹ mới đây đã có cuộc điện đàm thảo luận về nhiều vấn đề, một phần trong kế hoạch chuẩn bị tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh mới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về thời điểm sẽ diễn ra cuộc gặp này.
Điện Kremlin: EU không nên đổ lỗi cho Nga khi căng thẳng
Điện Kremlin ngày 18/11 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) không nên đổ lỗi "mọi chuyện" cho Nga khi căng thẳng giữa Nga với phương Tây gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 17/11 cảnh báo Nga về "hành động quân sự mạo hiểm" ở biên giới với Ukraine và Ba Lan - một thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đáp lại cảnh báo này, ông Peskov khẳng định: "Nga không phát động bất cứ cuộc chiến tranh hỗn hợp nào".
Quốc hội Đức sửa đổi Luật phòng chống lây nhiễm
Với đa số phiếu thuận từ 3 đảng đang đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức, Quốc hội nước này đã nhất trí sửa đổi Luật phòng chống lây nhiễm.
Tuy nhiên, Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) tuyên bố sẽ chặn luật này tại Hội đồng liên bang do dự luật sửa đổi "quá nhẹ" để có thể đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Mỹ và Hàn Quốc thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng
Ngày 18/11, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai đã đến Hàn Quốc tham gia đàm phán về các vấn đề thương mại còn tồn đọng như chuỗi cung ứng các thành phần thiết yếu và thuế thép. Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ trong 10 năm trở lại đây.
Những người từng mắc COVID-19 nhẹ vẫn dễ bị tổn thương trước các biến thể mới
Những người từng mắc COVID-19 nhẹ sẽ không được kháng thể bảo vệ trong thời gian dài và vẫn dễ tổn thương trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây là kết luận của nhóm nghiên cứu trường Đại học Adelaide (Australia) và được đăng trên trang medRxiv vào ngày 18/11.
Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới
The Economic Times cho biết, Chính phủ Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới vào năm 2022.
Tuyên bố này do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra ngày 18/11 khi khai mạc Hội nghị cấp cao Đổi mới Toàn cầu năm 2021 của Liên minh Dược phẩm Ấn Độ (IPA).
Trung Quốc hỗ trợ Indonesia xây dựng trung tâm sản xuất vaccine COVID-19
Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian ngày 18/11 cho biết hợp tác vaccine là điểm nhấn mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Hiện có 5 công ty Trung Quốc đang làm việc tích cực với các công ty Indonesia để xây dựng chuỗi sản xuất vaccine thông qua các kênh kỹ thuật khác nhau.
Indonesia thử nghiệm vaccine Sinovac cho liều tăng cường vào đầu năm 2022
Công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma của Indonesia cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 để dùng cho liều tăng cường vào đầu năm 2022. Quá trình thử nghiệm này sẽ được hợp tác với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc.
Chuyên gia Anh khuyến nghị thời gian tiêm vaccine cho trẻ em từng mắc COVID-19
Giới chức Anh cho rằng trẻ em trên 12 tuổi trở lên từng mắc COVID-19 không nên tiêm vaccine sau 12 tuần nhiễm bệnh.
Theo trang The Guardian (Anh), các chuyên gia tại Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết khoảng cách này có thể giúp giảm nguy cơ “rất rất nhỏ” của bệnh viêm cơ tim sau tiêm chủng.
Đức khuyến nghị tiêm mũi thứ ba cho tất cả người trưởng thành
Ngày 18/11, Ủy ban thường trực tiêm chủng quốc gia Đức (Stiko) đã khuyến nghị tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên.
Theo STIKO, chính phủ nên sử dụng vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA cho chương trình tiêm liều thứ ba này và liều tăng cường nên tiêm cách mũi thứ hai 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian chờ giữa liều thứ hai và thứ ba có thể được rút ngắn là 5 tháng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tây Ban Nha triển khai tiêm mũi tăng cường
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho đối tượng trên 60 tuổi và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông Sanchez không nêu rõ thời điểm triển khai tiêm mũi tăng cường.
Sri Lanka triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên
Giới chức y tế Sri Lanka đã bắt đầu mở rộng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm đối tượng từ 60 tuổi trở lên tại các tỉnh miền Tây và Nam nước này và tại huyện Anuradhapura và Ampara.
Loại vaccine dùng để tiêm tăng cường là vaccine của hãng Pfizer cho dù hai mũi tiêm trước là của bất kỳ hãng nào.
Tốc độ tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ cao gấp 3 lần so với người lớn
Theo số liệu từ Nhà Trắng, kể từ khi nhà chức trách Mỹ đầu tháng 11 này phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở nước này, đến nay khoảng 10 % trong số trẻ em độ tuổi này tại Mỹ đã được tiêm một mũi vaccine. Theo đó, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em ở Mỹ nhanh gấp hơn 3 lần so với tốc độ tiêm cho người lớn khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng.
EU đánh giá thuốc của GSK-Vir trong điều trị COVID-19
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/11 cho biết đang đánh giá đơn xin cấp phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Sotrovimab trong điều trị bệnh COVID-19. Quyết định có thể được đưa ra trong khoảng 2 tháng nữa.
Sotrovimab, có tên thương mại là Xevudy, là thuốc điều trị COVID-19 dạng tiêm do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) và công ty Vir Biotechnology đồng phát triển. Nếu được EMA phê chuẩn, đây sẽ là loại thuốc điều trị COVID-19 được cấp phép sử dụng tại châu Âu. Thuốc Sotrovimab đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ nhằm ngăn chặn các ca bệnh nhẹ hoặc trung bình trở nặng hơn.
Pfizer ký thỏa thuận cung cấp 10 triệu lộ trình điều trị COVID-19
Hãng dược phẩm Pfizer cho biết đã ký thỏa thuận với Chính phủ Mỹ để cung cấp 10 triệu lộ trình điều trị COVID-19 bằng loại thuốc kháng virus dạng uống của mình, trị giá 5,29 tỷ USD.
Thuốc mang tên thương mại là Paxlovid, hiện ở cấp độ nghiên cứu. Pfizer đã nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp Paxlovid trong tuần này sau khi các dữ liệu cho thấy 89% hiệu quả trong việc tránh phải nhập viện hoặc tử vong ở những người có nguy cơ cao.
AstraZeneca tuyên bố thuốc kháng thể chống COVID-19 có hiệu quả bảo vệ trong 6 tháng
Ngày 18/11, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) cho biết thuốc kháng thể chống COVID-19 dạng tiêm mang tên Evusheld của hãng này cho hiệu quả bảo vệ lên đến 83% trong vòng 6 tháng.
Đức siết chặt các biện pháp chống đại dịch
Hội nghị thượng đỉnh giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ hiến 16 bang ở Đức ngày 18/11 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến bàn về các biện pháp đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, các biện pháp mới nhằm siết chặt việc chống đại dịch đã được thông qua, bao gồm yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hằng ngày. Các nhân viên đã tiêm đủ vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần. Ngoài ra, Hội nghị cũng mở đường cho việc áp dụng quy tắc 2-G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) trên cả nước, thậm chí có thể có thể thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như 2-G+ (cần thêm xét nghiệm) hoặc chặt chẽ hơn nữa, tùy thuộc vào tỷ lệ nhập viện trung bình 7 ngày/100.000 dân ở các bang.
Indonesia rút kinh nghiệm từ tình hình dịch bệnh tại châu Âu
Trưởng nhóm điều chỉnh hành vi cộng đồng, thuộc Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19 của Indonesia, ông Sonny Harry B. Harmadi, cho rằng Indonesia cần rút kinh nghiệm từ sự gia tăng ca mắc mới COVID-19 tại một số quốc gia châu Âu hiện nay nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Bỉ siết chặt các biện pháp phòng dịch
Các biện pháp ứng phó mới về phòng chống COVID-19 tại Bỉ có hiệu lực kể từ ngày 20/11-13/12 tới bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang tại các sự kiện được tổ chức cả ở bên ngoài và trong phòng kín, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thương mại, giải trí. Ngoài ra phải bắt buộc trình chứng nhận an toàn với COVID-19 (CST) đối với người đến các địa điểm đông người.
Chính phủ liên bang cũng thống nhất bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với các nhân viên y tế từ tháng 1/1/2022. Những người từ chối tiêm phòng sẽ tạm thời phải nghỉ việc đến ngày 31/3. Sau thời điểm này, nếu tiếp tục không tiêm sẽ buộc phải nghỉ việc theo chế độ thất nghiệp.
Campuchia mở cửa trở lại bảo tàng, rạp chiếu phim và nhà hát
Chính phủ Campuchia đã cho phép các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát tại các địa phương trên toàn quốc mở cửa đón khách trở lại kể từ ngày 18/11.
Thông báo của Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia cho biết các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát ở các địa phương trên toàn quốc được mở cửa hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy trình hoạt động chuẩn (SOP) do Bộ Văn hóa và Nghệ thuật và Bộ Y tế nước này ban hành, cùng các biện pháp y tế khác.
Nhật Bản nâng giới hạn nhập cảnh lên 5.000 người/ngày
Ngày 18/11, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và nâng giới hạn số người nhập cảnh từ 3.500 người/ngày hiện nay lên 5.000 người/ngày, bắt đầu từ ngày 26/11 tới.
Belarus đề xuất kế hoạch nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng di cư
Ngày 18/11, Belarus thông báo đã đề xuất một kế hoạch nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới giữa nước này và Ba Lan, trong đó EU sẽ tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác.
Động đất có độ lớn 6,3 tại Papua New Guinea
Theo Trung tâm địa chấn học châu Âu - Địa Trung Hải (EMSC), một trận động đất có độ lớn 6,3 đã xảy ra cách thành phố Kokopo của Papua New Guinea 199 km về phía Đông - Đông Nam