Tin vắn thế giới ngy 19/3: WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc

Bạch Dương| 19/03/2022 08:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc; Khả năng tái mắc COVID-19 nhiều lần; Anh cảnh báo thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng từ lệnh cấm dầu mỏ Nga của EU… l tin tức thế giới đáng chú ý.

WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Harris, tuyên bố đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, viện dẫn số ca mắc mới COVID-19 tăng trong dữ liệu thống kê hằng tuần mới nhất. Phát biểu ngày 18/3 tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, bà Harris khẳng định đại dịch "vẫn chưa kết thúc", đồng thời cho rằng thế giới "chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch".

Trước đó, cơ quan y tế của LHQ cho rằng "giai đoạn cấp tính" của đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm 2022, song điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số của mỗi nước.

hanquoc-1903.jpg
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/3/2022.

Indonesia có đủ vaccine để đáp ứng nhu cầu của hơn 90% dân số

Thư ký Đội tăng tốc phục hồi kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Lintang Paramitasari cho biết tính đến ngày 17/3, nước này đã nhận được tổng cộng 505.551.435 liều vaccine ngừa COVID-19 từ các nước đối tác thông qua các kênh song phương và đa phương. Số lượng vaccine này có thể đáp ứng 93,6% nhu cầu tiêm đủ hai mũi cơ bản cho tất cả người dân Indonesia.

Khả năng tái mắc COVID-19 nhiều lần

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố báo cáo cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chỉ riêng vùng England đã ghi nhận 62 người có 4 lần xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, mỗi lần cách nhau ít nhất 90 ngày.

Theo Giáo sư Y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia, những người đã tái nhiễm nhiều lần có thể đã nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngay cả khi virus ngừng biến đổi ngay bây giờ, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài, nên nhiều người có khả năng tái nhiễm theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc lâu hơn.

Hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người từng nhiễm COVID-19

Theo một nghiên cứu tiến hành trực tuyến của các nhà khoa học Anh, khoảng 70% trong số 181 người trưởng thành khỏi bệnh COVID-19 cho biết họ gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung vài tháng sau khi mắc bệnh, 75% số người được hỏi ghi nhận các triệu chứng dai dẳng nghiêm trọng đến nỗi họ không thể làm việc và 50% cho rằng các bác sĩ không coi trọng các triệu chứng này của họ.

Trong số 126 người tham gia nghiên cứu mắc hội chứng COVID kéo dài, có tới 77,8% gặp vấn đề về khả năng tập trung, 69% bị sương mù não, 67,5% mắc chứng quên, 59,5% gặp vấn đề về từ và hiện tượng đầu lưỡi (tức là lời nói đến cửa miệng rồi mà vẫn không nhớ nổi), 43,7% gặp khó khăn về nói và viết từ chính xác.

Đức sửa đổi luật phòng chống lây nhiễm, dỡ bỏ nhiều hạn chế

Với 338 phiếu thuận, 277 phiếu chống và 2 phiếu trắng, ngày 18/3, Quốc hội Đức đã phê chuẩn Luật Phòng, chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó hầu hết các biện pháp hạn chế trên cả nước sẽ được dỡ bỏ, trừ những khu vực có chỉ số lây nhiễm cao. Luật mới sẽ thay thế cho các quy định trước đây, vốn sẽ hết hiệu lực từ ngày 20/3. Ngay sau đó, luật mới cũng đã được Hội đồng Liên bang Đức thông qua.

Hàn Quốc nới lỏng giãn cách dù ca nhiễm đứng đầu thế giới

Ngày 18/3, Hàn Quốc đã quyết định nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 trong 2 tuần tới, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp đặt ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các tiểu thương.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết hướng dẫn về giãn cách xã hội mới được điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/3 đến 3/4, đồng thời dự báo dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới.

Brazil: Bang đông dân nhất cho phép bỏ khẩu trang trong không gian kín

Ngày 17/3, chính quyền Sao Paulo - bang đông dân và giàu có nhất Brazil, đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín như trường học, phòng tập thể dục và các cửa hàng. Tuy nhiên, người dân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp dịch tễ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi tham gia giao thông công cộng, cũng như khi đến bệnh viện hay các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khác.

Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa một phần thành phố Thâm Quyến

Tối 17/3, chính quyền thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đã nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa, sau khi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nhấn mạnh tới sự cần thiết phải “giảm thiếu tối đa tác động” của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế.

tham-quyen-1903.jpg
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 12/3/2022.  

Thái Lan ngừng yêu cầu du khách nước ngoài xét nghiệm trước khi đến

Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 18/3 đã quyết định ngừng yêu cầu du khách phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này, nhưng vẫn duy trì yêu cầu xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 1/4 tới.

Trung Quốc đề nghị làm sáng tỏ thông tin liên quan vũ khí sinh học tại Ukraine

Ngày 18/3, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân đã đề nghị các bên liên quan làm sáng tỏ thông tin về vũ khí sinh học tại Ukraine được đưa ra trong các tài liệu mới đây nhằm xóa bỏ những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ cho rằng bất kỳ thông tin nào liên quan tới các hoạt động quân sự có dính tới vũ khí sinh học đều thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế, bởi điều đó là cần thiết để ngăn ngừa những tổn thất không thể cứu vãn.

Anh cảnh báo thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng từ lệnh cấm dầu mỏ Nga của EU

Ngày 18/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã cảnh báo một lệnh cấm ngay lập tức trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ gây thiệt hại ít nhất 70 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh.

Cảnh báo của ông Sunak được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga.

Các nước Nam Âu thúc giục EU xây dựng chiến lược năng lượng chung

Ngày 18/3, lãnh đạo các nước Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng chiến lược năng lượng chung để đảm bảo an ninh năng lượng của khối. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt và hiện đang ở mức trên 100 USD/thùng.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc đàm phán 4 bên, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết lãnh đạo 4 nước mong muốn Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới tại Brussels (Bỉ) sẽ tiến hành thảo luận về các biện pháp cụ thể để bảo vệ tất cả các quốc gia thành viên.

Ấn Độ tăng cường mua dầu của Nga

AP dẫn nguồn từ một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết doanh nghiệp quốc doanh Indian Oil đã mua 3 triệu thùng dầu thô của Nga vào đầu tuần này để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong nước.

Quan chức giấu tên này cũng tiết lộ Ấn Độ sẽ xem xét mua thêm dầu từ Nga. Truyền thông Ấn Độ đưa tin Nga đã đề nghị bán dầu mỏ với mức giảm giá rẻ hơn 20% với mức giá chuẩn toàn cầu.

Belarus tuyên bố ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nga

Trong một đoạn video được chia sẻ trên kênh Telegram của hãng truyền thông nhà nước Nga RIA, các cơ quan mật vụ Belarus đã bắt giữ một nhóm người lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công khủng bố tại một nhà ga cũng như lên kế hoạch đánh cắp vũ khí từ binh sĩ Nga.

Sau đó, Bộ Nội vụ Belarus đã tiến hành điều tra hình sự và bắt giữ nhóm đối tượng trên khi nhiều người bắt đầu phá hủy đường sắt và làm gián đoạn việc đi lại. Theo RIA, những người bị bắt có thể phải đối mặt với án tù 20 năm.

belarus.jpg
Binh sĩ Belarus tại cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng vào tháng 5 năm ngoái tại Minsk. Ảnh: Reuters

Nhật Bản nới lỏng thủ tục tiếp nhận người Ukraine

Ngày 18/3, Nhật Bản đã bắt đầu cấp phép nhập cảnh cho những người Ukraine sơ tán tránh xung đột cho dù họ không có người thân hoặc người quen ở Nhật Bản có thể đứng ra bảo lãnh.

Theo các biện pháp mới, tiến trình xin visa đã được đơn giản hóa đối với những người Ukraine sơ tán. Họ cũng không cần phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản.

Taliban hoan nghênh LHQ tiếp tục hiện diện tại Afghanistan

Ngày 18/3, Taliban đã lên tiếng hoan nghênh một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ chính thức gia hạn sự hiện diện của LHQ tại Afghanistan, trong bối cảnh chính quyền Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.

Trên 2 triệu người ở Ukraine đã sơ tán sang Ba Lan

Ngày 18/3, Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết trên 2 triệu người ở Ukraine đã sơ tán sang nước này kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine hôm /2.

Toyota ngừng 50% dây chuyền sản xuất tại Nhật Bản sau trận động đất lớn

Toyota Motor Corp. ngày 18/3 cho biết sẽ ngừng hơn một nửa dây chuyền lắp ráp tại Nhật Bản trong ba ngày, trong bối cảnh một trận động đất mạnh gần đây làm rung chuyển khu vực Đông Bắc, gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng các bộ phận phụ tùng.

Amazon hoàn tất thương vụ mua lại MGM Studios

Ngày 17/3, Amazon thông báo đã hoàn tất thỏa thuận mua lại MGM Studios với giá 8,45 tỷ USD, đánh dấu bước đi tham vọng trong lĩnh vực phát hành trực tuyến, trong đó có các bộ phim nhượng quyền thương mại (franchise) James Bond và Rocky.

Nga yêu cầu Google chặn nội dung đe dọa công dân Nga trên YouTube

Ngày 18/3, cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor cho biết đã yêu cầu công ty Google thuộc Tập đoàn công nghệ Alphabet Inc ngừng phát tán các nội dung được xem là các mối đe dọa đối với công dân Nga trên nền tảng chia sẻ video YouTube.

Động đất có cường độ 5,5 tại Đông Bắc Nhật Bản

Theo hãng tin Kyodo, tối muộn 18/3, một trận động đất có độ lớn 5,5 đã xảy ra tại Đông Bắc Nhật Bản. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngy 19/3: WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc