Hội thảo "Đánh giá kết quả nghiên cứu, r soát các quy định của pháp luật Việt Nam về người khng quốc tịch v tính khả thi Việt Nam gia nhập cng ước 1954 về quy chế người khng quốc tịch" đã đặt ra nhiều vấn đề rất thiết thực.
Hội thảo do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Việt Nam còn khoảng 1 vạn người không quốc tịch
Người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch nước nào, cư trú trên lãnh thổ nước ta đã có từ lâu. Về mặt pháp lý, những người này cũng như con, cháu của họ không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh quốc tịch. Do vậy, họ không thể đăng ký quốc tịch, không được cấp CMTND, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ đăng ký tài sản... Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ khó khăn thêm, mà còn phát sinh vấn đề phức tạp cho công tác quản lý dân cư nói chung tại các địa phương, nhất là khu vực biên giới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội thảo
Chính vì vậy, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã dành riêng Điều 22 quy định về việc nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản cho người không quốc tịch, được thực hiện từ ngày 1/7/2009.
Chỉ trong vòng 3 năm, việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch đã cơ bản hoàn tất với tổng số 4.727 người được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đặc biệt, Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã đánh giá Việt Nam là quốc gia giải quyết tốt nhất vấn đề người không quốc tịch so với các nước trong khu vực và châu Á, là mô hình tốt về hạn chế tình trạng không quốc tịch để các nước tham khảo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam dưới 20 năm, trong đó, phần lớn hiện nay đang rất khó khăn, không đáp ứng được điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục thông thường (Điều 19 và 20 Luật Quốc tịch Việt Nam) do không đủ các giấy tờ theo quy định của Luật.
Số người này được phân thành 4 nhóm là những người di cư tự do từ Campuchia đến sinh sống tại các tỉnh phía Nam, những người di cư tự do từ Lào sống dọc các tỉnh biên giới phía Tây, những người di cư tự do từ Trung Quốc sống tại các tỉnh biên giới phía Bắc và những người đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài song vì nhiều lý do khác nhau không được nhập quốc tịch nước ngoài nên trở về Việt Nam sinh sống.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, quyền có quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với nhà nước, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó với quốc gia mà mình có quốc tịch và quyền, trách nhiệm của quốc gia đó với cá nhân mang quốc tịch của quốc gia mình. Tuy nhiên, trên thực tế, vì những nguyên nhân khác nhau vẫn còn tồn tại những trường hợp những cá nhân rơi vào tình trạng không quốc tịch. Để khắc phục tình trạng người không quốc tịch, trên phương diện nỗ lực pháp luật quốc tế, ngày 28/9/1954, Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước 1954 về Quy chế của người không quốc tịch, có hiệu lực từ ngày 6/6/1960. Đây là văn kiện quốc tế quan trọng với mục đích cải thiện tình trạng pháp lý và nâng cao vị thế của người không quốc tịch, bảo đảm các quyền cơ bản của người không quốc tịch, bảo đảm các quyền cơ bản của con người đối với người không quốc tịch, hướng đến việc các quốc gia thành viên Công ước cấp quốc tịch cho người không quốc tịch hiện đang cư trú trên quốc gia mình.
Cần giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú
Theo ông Lương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của người không có quốc tịch chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người không có quốc tịch, nhất là người không quốc tịch cư trú Việt Nam. Để người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và thực hiện các nghĩa vụ khi cư trú tại Việt Nam, cần phải rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người không quốc tịch, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... “Trước mắt, nên cho họ được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ như: tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; tham gia dự tuyển viên chức; tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp”, ông Tuấn nói.
Trao quốc tịch cho người nhập quốc tịch Việt Nam tại TP.HCM năm 2014
Ở một khía cạnh khác, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và cụ thể hơn nữa đối với các bộ, ngành chức năng trong giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú nhằm giảm thiểu điều kiện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người không quốc tịch.
Từ thực tiễn quản lý ở địa phương, bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp phản ánh: Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 6.000 người; An Giang là 2.550 người; Tây Ninh khoảng 1.300 người không có quốc tịch Việt Nam... hầu hết các trường hợp chưa được giải quyết quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu tại các địa phương có khu vực biên giới là do các hộ dân này không có chỗ ở ổn định, chỉ che nhà tạm ở ven sông, thường xuyên di chuyển đi nhiều nơi khác nhau ở các địa phương liền kề. Trong khi đó, trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật của những dân tại khu vực biên giới còn thấp nên có ảnh hưởng nhiều đến việc kê khai, thủ tục đăng ký. Hiện tại số lượng những người về Việt Nam sau năm 1989 mà không có giấy tờ hộ tịch, quốc tịch tại các địa phương là tương đối nhiều nhưng chỉ thực hiện việc quản lý đối tượng này theo diện người không quốc tịch mà không giải quyết hộ tịch, hộ khẩu đã dẫn đến việc quản lý và thực hiện chính sách cho các đối tượng này cũng như việc thực hiện các giao dịch của họ rất khó khăn, ví dụ như xét hộ nghèo để hỗ trợ thì họ không có một loại giấy tờ nào để được xem xét hỗ trợ.
“Chính phủ cần sớm có quy định và hướng dẫn đối với một số trường hợp theo hướng thông thoáng hơn”, bà Thủy đề xuất. Theo đó, những người không có giấy tờ tùy thân nhưng có giấy tờ chứng minh quốc tịch của cha, mẹ, anh, chị, em ruột thì vẫn được cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Về thông tin cha, mẹ trong Giấy khai sinh của những trường hợp trên có thể để trống phần quốc tịch của cha mẹ, những thông tin khác như họ tên, năm sinh, nơi tạm trú... thì căn cứ vào nhưng thông tin mà họ đã khai báo với cơ quan công an để ghi...