Nga chỉ trích hnh động của Ukraine, Mỹ v NATO tại Biển Đen; Mỹ tuyên án cựu cảnh sát trong vụ George Floyd; Vaccine Johnson &Johnson c thể liên quan đến sự cố máu đng cục… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Nga chỉ trích hành động của Ukraine, Mỹ và NATO tại Biển Đen
Hãng tin Interfax của Nga ngày 20/4 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu chỉ trích Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục có các hành động gây hấn ở vùng trời và vùng biển tại khu vực Biển Đen, trong khi quân đội và các nhà lãnh đạo chính trị Ukraine đang khiến tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraine, trở nên bất ổn.
Mỹ tuyên án cựu cảnh sát trong vụ George Floyd
Chiều ngày 20/4 (giờ Mỹ), cựu cảnh sát Derek Chauvin, người gây ra cái chết cho người đàn ông da màu tên George Floyd và khiến cả nước Mỹ chìm trong bạo loạn chống phân biệt chủng tộc suốt nhiều tháng trong năm 2020, bị tòa án chính thức tuyên có tội với cả ba tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát.
Người bị kết tội giết người cấp độ hai đối mặt mức án tối đa 40 năm tù, giết người cấp độ ba đối mặt 25 năm tù và tội ngộ sát có mức án tối đa 10 năm tù. Chauvin bị còng tay và dẫn giải đi ngay sau khi tuyên án và Thẩm phán Peter Cahill cho biết án sẽ được chính thức thi hành sau 8 tuần.
Nhà Trắng ủng hộ Washington D.C trở thành bang thứ 51
Ngày 20/4, Nhà Trắng đã tuyên bố ủng hộ ủng hộ dự luật của Hạ viện Mỹ, theo đó đưa thủ đô Washington D.C trở thành bang thứ 51 của nước này.
Nhà Trắng nêu rõ dự luật này nhằm mang lại cho người dân thủ đô Washington D.C - những người nộp thuế liên bang nhưng không có đại diện trong Quốc hội lưỡng viện - có tiếng nói, có quyền bỏ phiếu và đại diện tại cơ quan lập pháp Mỹ.
Nga trục xuất 2 nhà ngoại giao Bulgaria
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh 2 nhà ngoại giao trên của Bulgaria là những "nhân vật không được hoan nghênh" và sẽ phải rời khỏi Nga trong vòng 72 giờ tới.
Trước đó, Đại sứ Bulgaria tại Moscow đã tới trụ sở Bộ Ngoại giao Nga để nhận công hàm trục xuất hai nhà ngoại giao trên. Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan đến vụ bê bối gián điệp dẫn đến việc Bulgaria trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga trước đó.
Các bên tham gia đàm phán hạt nhân Iran nhóm họp trở lại vào tuần tới
Ngày 20/4, các bên tham gia đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) tại Vienna (Áo) đã nhất trí tiến hành tham vấn với lãnh đạo trong nước trước khi họp trở lại vào tuần tới.
Đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora cũng nhận định "đã đạt được tiến triển trong hai tuần qua, nhưng còn nhiều việc khó khăn cần giải quyết. Nhóm chuyên gia thứ ba sẽ được thành lập để xử lý các vấn đề này".
Iran để ngỏ khả năng đảo ngược việc làm giàu urani ở mức 60%
Phát biểu với báo giới tại Tehran ngày 20/4, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei khẳng định việc Iran bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% tại cơ sở hạt nhân Natanz nhằm thể hiện năng lực kỹ thuật để đáp trả "vụ tấn công khủng bố nhằm vào những cơ sở này". Nước này có thể nhanh chóng đảo ngược để quay lại mức làm giàu urani đã được nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân năm 20 nếu các bên cũng tuân thủ nghĩa vụ.
Iran hoan nghênh Iraq đóng vai trò hòa giải trong khu vực
Ngày 20/4, Iran cho biết nước này hoan nghênh Iraq đóng vai trò trung gian hòa giải giúp hàn gắn mối quan hệ của Tehran với các quốc gia Arab vùng Vịnh.
Theo hãng thông tấn IRNA, Đại sứ Iran tại Baghdad Iraj Masjedi đã đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran luôn hoan nghênh đối thoại với Saudi Arabia. Tuy nhiên, ông không xác nhận hay phủ nhận cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai bên.
Tổng thống CH Chad qua đời
Truyền thông CH Chad ngày 20/4 đưa tin Tổng thống nước này, ông Idriss Déby Itno, đã qua đời do bị thương trên mặt trận khi đang chỉ huy quân đội chiến đấu với phiến quân ở miền Bắc.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Walter Mondale qua đời
Truyền thông Mỹ ngày 21/4 đưa tin cựu Phó Tổng thống Mỹ Walter Mondale đã qua đời ở tuổi 93. Gia đình cựu Phó Tổng thống Mondale thông báo ông đã qua đời hôm 19/4 tại Minneapolis.
Chủ tịch CSU chấp nhận quyết định của CDU về ứng cử viên thủ tướng Đức
Ngày 20/4, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Markus Söder tuyên bố ông sẽ chấp nhận quyết định của Ban Chấp hành liên bang đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), về việc lựa chọn Chủ tịch đảng CDU Armin Laschet làm ứng cử viên thủ tướng của liên đảng CDU/CSU trong cuộc bầu cử tới đây.
Thủ tướng Ấn Độ hủy kế hoạch công du châu Âu
Ngày 20/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo Thủ tướng Narendra Modi sẽ không đến Bồ Đào Nha dự hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - EU vào tháng tới do đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở quốc gia này.
Ngoài ra, chuyến thăm Pháp trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Modi cũng bị hủy.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu: Vaccine J&J có thể liên quan đến sự cố máu đông cục
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 20/4 cho biết họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson với những ca bị cục máu đông hiếm gặp và yêu cầu công ty có thêm cảnh báo vào nhãn. Tuy vậy, các chuyên gia tại cơ quan này nhắc lại rằng lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nguy cơ rủi ro.
Johnson & Johnson khẳng định hiệu quả của vaccine
Giám đốc Tài chính (CFO) của hãng dược Johnson & Johnson Joseph Wolk cho biết hãng "rất tin tưởng" vào hiệu quả vaccine của mình trong việc phòng ngừa bệnh COVID-19 và hy vọng các nhà quản lý dược phẩm sẽ nhanh chóng có quyết định chính thức về tính an toàn của vaccine.
Hàn Quốc xem xét phương án hoán đổi vaccine với Mỹ
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho biết nước này đang thảo luận nghiêm túc với Mỹ về một thỏa thuận hoán đổi vaccine ngừa COVID-19.
Quan chức trên không nêu rõ ý nghĩa của thỏa thuận hoán đổi này. Tuy nhiên, một số nguồn tin giấu tên cho biết Hàn Quốc đang xem xét một thỏa thuận hoán đổi vaccine với Mỹ theo hình thức cho vay. Theo đó, Hàn Quốc sẽ “vay tạm” số vaccine Mỹ không sử dụng, sau đó sẽ dùng số vaccine của mình để "thanh toán nợ" cho Washington.
EU phân bổ vaccine cho các nước Balkan
EU sẽ chuyển hơn nửa triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 tới các nước ở khu vực Tây Balkan vào trước tháng 8 tới, đánh dấu lần đầu tiên thực hiện cơ chế chia sẻ vaccine với các nước ở khu vực này.
Theo kế hoạch, từ đầu tháng 5 tới, EU sẽ bàn giao tổng cộng 651.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các nước Bosnia - Herzegovina, Albania, Bắc Macedonia, Montenegro và Serbia. Trước đó vài tháng, EU đã thiết lập cơ chế chia sẻ vaccine ngừa COVID-19.
Mỹ yêu cầu tạm dừng sản xuất vaccine tại nhà máy Emergent BioSolutions
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ ngày 19/4 đã yêu cầu tạm dừng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson tại nhà máy Emergent BioSolutions, nơi xảy ra sự cố làm hỏng triệu liều vaccine vào tháng trước.
Nga: Thị trưởng Moscow cảnh báo tình hình dịch COVID-19 lây lan tồi tệ hơn
Thị trưởng thủ đô Moscow của Nga, ông Sergei Sobyanin ngày 20/4 đăng tải trên blog cá nhân cho biết tình hình lây lan virus SARS-CoV-2 ở thành phố này đã bắt đầu trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây.
Biên giới Canada-Mỹ tiếp tục đóng cửa với hoạt động đi lại không thiết yếu
Thỏa thuận giữa Canada và Mỹ về việc hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu giữa biên giới chung hai nước đã được gia hạn thêm một tháng đến ngày 21/5/2021, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch COVID-19 có xu hướng trầm trọng ở “xứ sở lá phong”.
Thỏa thuận trên được Mỹ và Canada nhất trí từ tháng 3/2020 và đã được gia hạn hàng tháng sau đó. Người lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu như tài xế xe tải và nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp được miễn các hạn chế này.
Tòa án Hà Lan dự kiến chưa đưa ra phán quyết vụ rơi máy bay MH17
Trong thông báo ngày 20/4, Tòa án cấp quận ở thành phố La Haye (Hà Lan) cho biết tòa không có kế hoạch tuyên án trong năm nay đối với các bị cáo trong vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của Hãng Hàng không quốc gia Malaysia tại miền Đông Ukraine vì cần điều tra thêm.
Philippines đẩy mạnh tìm kiếm 20 thủy thủ mất tích
Ngày 20/4, các lực lượng cứu hộ Philippines tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm 20 thủy thủ mất tích sau khi một tàu chở hàng của nước này chở quặng nickel và khoảng 2.000 lít dầu diesel đã bị mắc cạn gần tỉnh Surigao del Norte, phía Nam Philippines.
Cảnh sát Biển Philippines cho biết tàu trên có tên LCT Cebu Great Ocean cùng thủy thủ đoàn 20 người, mắc cạn từ chiều 19/4. Nguyên nhân tàu mắc cạn chưa được xác định, nhưng khu vực này đang có thời tiết xấu do ảnh hưởng cơn bão Surigae gây gió lớn với vận tốc tới 195 km/h. Chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đã được nối lại sau khi phải tạm dừng do biển động và tầm nhìn hạn chế.
Nhiều hãng dược lớn của Mỹ bị kiện liên quan đến thuốc giảm đau
Ngày 19/4, bốn hãng dược phẩm của Mỹ, trong đó có Johnson & Johnson (J&J), đã phải ra tòa với cáo buộc các chiến dịch quảng cáo của các hãng này trong đó hạ thấp rủi ro của thuốc giảm đau (opioid) là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng khiến hàng trăm nghìn người tử vong ở nước này.
Hàn Quốc sẽ tham gia giám sát kế hoạch của Nhật Bản xả nước từ nhà máy Fukushima
Ngày 20/4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này chắc chắn sẽ tham gia nhóm quốc tế do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dẫn đầu giám sát kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Quân đội Nga xác nhận không kích phá hủy một căn cứ khủng bố ở Syria
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 thông báo lực lượng không quân nước này đã tiến hành không kích một căn cứ huấn luyện khủng bố ở phía Đông Bắc thành phố Palmyra của Syrua, tiêu diệt 200 tay súng phiến quân.
Nga mở cuộc điều tra nhằm vào YouTube
Cơ quan Chống độc quyền của Liên bang Nga (FAS) cho biết những quy định của YouTube liên quan đến việc tạm ngừng hoặc xóa tài khoản người dùng là "không rõ ràng và không công bằng".
FAS cho rằng điều này có thể dẫn đến việc khóa và xóa các tài khoản của người sử dụng một cách đột ngột mà không có cảnh báo và giải thích. Hành động này của YouTube cũng có thể trở thành hành vi xâm phạm lợi ích của người sử dụng và hạn chế sự cạnh tranh.
Kêu gọi quyên góp 5,5 tỷ USD cứu 34 triệu người khỏi nạn đói
Đại diện trên 260 tổ chức phi chính phủ (NGO) trên thế giới đã ký vào một bức thư ngỏ đề ngày 20/4 kêu gọi chính phủ các nước quyên góp 5,5 tỷ USD để giúp 34 triệu người trên thế giới thoát khỏi nạn đói trong năm nay.
Số tiền trên đã được Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) đề xuất trong tháng 3. Nhưng các NGO cho biết các khoản tài trợ cam kết từ đầu năm đến nay chỉ là một phần rất nhỏ của những gì cần có để ngăn chặn tình trạng thiếu an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn ở các "điểm nóng" trên thế giới.