Tổng thống Nga ký sắc lệnh liên quan nợ nước ngoi; Nhật Bản kêu gọi đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Số người thiệt mạng sau vụ động đất ở Afghanistan vượt 1.000 người… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Tổng thống Nga ký sắc lệnh liên quan nợ nước ngoài
Ngày 22/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thiết lập các thủ tục tạm thời để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài, trong bối cảnh các nhà đầu tư theo dõi sát sao nguy cơ vỡ nợ của Moscow.
Theo hãng tin Interfax, ông Putin đã chỉ thị cho Chính phủ trong vòng 10 ngày phải chọn ra các ngân hàng có khả năng xử lý các khoản thanh toán liên quan trái phiếu châu Âu theo một kế hoạch mới.
Nga khẳng định ưu tiên tăng cường hợp tác với các nước BRICS
Ngày 22/6, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính sách kinh tế vĩ mô của Nga đang cho thấy sự hiệu quả trước sức ép trừng phạt từ bên ngoài và nước này ưu tiên hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp các nước BRICS (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Brazil).
Thủ tướng Đức nêu các chủ đề quan tâm tại các hội nghị thượng đỉnh EU, G7, NATO
Ngày 22/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có bài phát biểu quan trọng trước quốc hội nước này trước thềm 3 hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Đức nhấn mạnh vấn đề an ninh là cam kết cơ bản nhất mà mỗi nhà nước phải thực hiện. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Chính phủ Đức đã thực hiện một "bước ngoặt" về chính sách an ninh, và theo ông Scholz, việc nước Đức định hướng lại chính sách an ninh đã được thế giới công nhận.
Nhật Bản kêu gọi đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Trong cuộc hội đàm với những người đồng cấp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 22/6 tại thủ đô tại Phnom Penh của Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhấn mạnh việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là rất quan trọng.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, liên quan tới việc thúc đẩy tầm nhìn của Nhật Bản về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", ông Kishi đã kêu gọi đạt được một bộ quy tắc ứng xử khu vực ở Biển Đông "hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế".
Lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục chủ trì hội nghị quân sự
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 23/6 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục chủ trì ngày làm việc thứ hai hội nghị mở rộng Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hội nghị quan trọng dự kiến kéo dài 3 ngày này của Đảng Lao động Triều Tiên về chính sách quốc phòng và quân sự đã thảo luận vấn đề bổ sung nhiệm vụ tác chiến cho các đơn vị tuyến đầu, điều chỉnh kế hoạch tác chiến và tái cơ cấu hệ thống tổ chức quân sự. Trong đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực tăng cường năng lực tác chiến của những đơn vị tuyến đầu. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các điều chỉnh này không được công bố.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu
Ngày 22/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế tất yếu của lịch sử.
Tuyên bố trên được ông Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Nga và Brazil, chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 25% Tổng sản lượng nội địa (GDP) toàn cầu.
Ngoại trưởng Nga tới Iran thảo luận vấn đề hạt nhân và hợp tác song phương
Truyền hình nhà nước Iran đưa tin, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov, đã tới Iran ngày 22/6 trong bối cảnh nỗ lực đàm phán giữa các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức (Nhóm P5+1) với Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 20 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hiện đang bế tắc.
Theo truyền thông Iran, “trong chuyến thăm của ông Lavrov, thỏa thuận hạt nhân, tăng cường hợp tác song phương và năng lượng, cùng các vấn đề quốc tế và khu vực sẽ được hai bên thảo luận”.
Các nước Tây Balkan thất vọng trước tiến độ gia nhập EU
Các nước Tây Balkan cho rằng chính hành động đẩy nhanh tiến độ trao tư cách ứng viên cho Ukraine đang khiến các nước này có cảm giác bị đẩy ra ngoài cuộc.
Sự chậm trễ và chần chừ trong việc chấp thuận 6 nước Balkan vào EU đã khiến các nhà lãnh đạo của Albania và Serbia cân nhắc không tham dự hội nghị thượng đỉnh Balkan-EU tổ chức vào ngày 23/6 tại Brussels.
Thái tử Kuwait tuyên bố giải tán Quốc hội
Trong một bài phát biểu được truyền trực tiếp trên Đài truyền hình quốc gia Kuwait, Thái tử Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah đã thay mặt Quốc vương Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah tuyên bố: "Dựa theo quyền được nêu trong Hiến pháp, tuân thủ quy định của Điều 107, chúng tôi quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử trong những tháng tới, sau khi chuẩn bị các thỏa thuận pháp lý cần thiết cho việc này".
Litva sẵn sàng mở rộng phong tỏa Kaliningrad, chấp nhận đòn trả đũa của Nga
Tổng thống Litva, Gitanas Nauseda cho biết Vilnius đã sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm vận chuyển đến vùng ngoại địa Kaliningrad của Nga nếu Liên minh châu Âu đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Nước này cũng sẵn sàng đối mặt với bất kỳ biện pháp trả đũa nào mà Nga có thể đưa ra.
18 cảnh sát Ecuador mất tích trong vụ tấn công của người biểu tình
Ngày 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Patricio Carrillo cho biết, 18 cảnh sát đã bị mất tích trong một vụ những người tham gia biểu tình tấn công vào một đồn cảnh sát tại thành phố Puyo ở vùng Amazon của quốc gia Nam Mỹ này.
Litva chặn hàng hóa Nga tới Kaliningrad bằng cả đường bộ
Các quan chức của Nga cho biết Litva không chỉ chặn hàng hóa tới Kaliningrad bằng đường sắt mà còn chặn cả vận chuyển bằng đường bộ.
Litva bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng hóa Nga từ ngày 18/6. Nhà vận hành đường sắt quốc gia Litva cấm hàng hóa thuộc diện bị trừng phạt vào Kaliningrad theo hướng dẫn từ Ủy ban châu Âu.
WB hỗ trợ giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở châu Phi
Ngày 22/6, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã thông qua một chương trình trị giá 2,3 tỷ USD để giúp các quốc gia ở phía Đông và Nam châu Phi chống lại tình trạng mất an ninh lương thực.
WB nhấn mạnh rằng những cú sốc về hệ thống lương thực do thời tiết khắc nghiệt, dịch hại xâm nhập, bùng phát dịch bệnh, bất ổn chính trị và xung đột ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng, khiến nhiều người bị mất an ninh lương thực hơn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang làm gia tăng thêm những tác động này khi làm gián đoạn thị trường lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu.
Israel tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự
Ngày 22/6, Israel đã ra mắt lực lượng Vệ binh Quốc gia trực thuộc Cục Cảnh sát biên phòng của nước này với mục đích tăng cường an ninh nội địa và chống khủng bố.
Vệ binh Quốc gia sẽ bao gồm ba thành phần chính, là lực lượng chính quy, thường trực với nguồn chính từ lực lượng Cảnh sát Biên phòng, lực lượng dự bị mới thành lập và lực lượng tình nguyện viên. Trong đó, lực lượng dự bị ngoài 20 đội hiện có sẽ được bổ sung 26 đội trong vòng hai năm tới. Tất cả sẽ được trang bị vũ khí và phương tiện tối tân.
Thuốc kháng virus HIV của Trung Quốc hiệu quả và an toàn trong thử nghiệm lâm sàng
Kết quả thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc điều trị HIV/AIDS đầu tiên do Trung Quốc bào chế cho thấy loại thuốc này an toàn và hiệu quả trong một phác đồ điều trị kết hợp được đơn giản hóa.
Aikening - hay còn gọi là thuốc tiêm albuvirtide (ABT) - là một chất có tác dụng ức chế HIV lâu dài, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt vào năm 2018. Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh rằng loại thuốc này có thể được sử dụng để kết hợp với các loại thuốc kháng retrovirus khác nhằm điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Retrovirus là một loại virus RNA chèn một bản sao bộ gene của nó vào ADN của tế bào vật chủ mà nó xâm nhập, qua đó thay đổi bộ gene của tế bào đó.
Số người thiệt mạng sau vụ động đất ở Afghanistan vượt 1.000 người
Ngày 22/6/2022, lãnh đạo tỉnh Paktika, miền Đông Afghanistan, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau vụ động đất, thông báo trên 1.000 người đã thiệt mạng và trên 1.500 người khác bị thương. Ngoài ra, nhiều ngôi làng đã bị phá hủy.
Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 6,1 độ Richter xảy ra tại khu vực cách thành phố Khost khoảng 44km, tâm chấn ở độ sâu 51km.
Bangladesh, Ấn Độ khẩn trương cứu trợ hàng triệu người mắc kẹt trong lũ lụt
Chính quyền Bangladesh ngày 22/6 tăng cường nỗ lực phân phát lương thực và nước uống cho hàng triệu người đang gặp khó khăn sau đợt mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng trên 1/4 lãnh thổ nước này. Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina tuyên bố Chính phủ đang nỗ lực để giải cứu và hỗ trợ những người bị mắc kẹt do lũ lụt, trong đó huy động nhiều lực lượng gồm quân đội, hải quân và không quân.
Trong khi đó, Lực lượng Xử lý thảm họa quốc gia Ấn Độ cho biết 14 đội với hơn 70 tàu thuyền và trên 400 nhân viên đã được triển khai tới những huyện bị lũ lụt nặng nhất của bang Assam. Khoảng 14.200 người bị mắc kẹt trong các vùng ngập nước đã được lực lượng quân đội hỗ trợ sơ tán.