Anh yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử ở Bắc Ireland; Nga mời các quốc gia thân thiện tham gia dự án dầu mỏ khổng lồ tại Bắc Cực; Nga khẳng định quyết tâm sử dụng đồng ruble trong giao dịch ngoại thương; Thượng Hải (Trung Quốc) sử dụng rộng rãi vaccine ngừa COVID-19 dạng hít qua miệng… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Anh yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử ở Bắc Ireland
Chính phủ Anh ngày 28/10 tuyên bố sẽ yêu cầu cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới của Bắc Ireland trong vòng 12 tuần tới.
Đây được xem là nỗ lực của London nhằm phá vỡ bế tắc chính trị tại khu vực, có thể dẫn đến khả năng Bắc Ireland phải chịu sự quản lý trực tiếp từ London. Truyền thông Bắc Ireland dự đoán nhiều khả năng cuộc bầu cử sẽ được ấn định vào ngày /12.
Thủ tướng Đức sẽ thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11
Theo Tân Hoa xã, ngày 28/10, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có chuyến thăm chính thức nước này vào ngày 4/11 tới theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo châu Âu đến Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Armenia đồng ý thiết lập quan hệ với Azerbaijan theo nguyên tắc do Nga đề xuất
Armenia đã đồng ý thiết lập quan hệ với Azerbaijan theo nguyên tắc do Nga đề xuất và sẵn sàng xác nhận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ba bên sắp diễn ra ở Sochi.
Theo TASS, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đưa ra tuyên bố này trên trang Twitter ngày 28/10.
Nga mời các quốc gia thân thiện tham gia dự án dầu mỏ khổng lồ tại Bắc Cực
Tập đoàn Năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga đã mời các công ty từ các quốc gia thân thiện tham gia dự án Vostok Oil trị giá hàng tỷ USD ở vùng Bắc Cực.
Theo RT, tại Diễn đàn Kinh tế Á - Âu Verona ở Baku, Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosneft Igor Sechin cho biết: “Quá trình triển khai dự án đang diễn ra theo kế hoạch đã thông báo trước đó. Chúng tôi rất vui khi thấy tất cả những người bạn – bao gồm Công ty dầu mỏ và khí đốt Socar của Azerbaijan – cũng tham gia dự án này”.
Nội các Nhật Bản thông qua gói kích cầu kinh tế mới ứng phó với lạm phát
Chiều 28/10, Nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích cầu kinh tế với tổng giá trị 71.600 tỷ yên, trong đó gồm các bước giảm bớt gánh nặng lạm phát và đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm.
Theo hãng thông tấn Kyodo, khi người dân giảm ủng hộ trong bối cảnh phải thắt chặt hầu bao do chi phí nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa lên cao, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida sẽ giảm hóa đơn điện, nước cho các gia đình trong khuôn khổ gói hỗ trợ trên.
Nga khẳng định quyết tâm sử dụng đồng ruble trong giao dịch ngoại thương
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á- Âu ở thủ đô Baku của Azerbaijan, ông Andrei Kostin, lãnh đạo ngân hàng VTB - một trong những tổ chức cho vay lớn nhất của Nga cho biết nước này đang từ bỏ việc sử dụng đồng USD và đồng euro trong hoạt động ngoại thương và đây là tiến trình “không thể đảo ngược”.
Theo ông, Moscow đang ưu tiên chuyển sang sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại với các đối tác thương mại nước ngoài chủ chốt trong trung hạn, trong đó có Trung Quốc, các nước thành viên Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU), Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, khu vực Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.
Lạm phát tại Pháp tăng mạnh nhất kể từ năm 1985
Chịu sự chi phối của giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng cao, lạm phát của Pháp trong tháng 10 đã có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985.
Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan thống kê Insee công bố ngày 28/10, sau khi tăng chậm lại trong tháng 8 và tháng 9, lạm phát của Pháp trong tháng 10 tăng 6,2% so với năm trước. Thực phẩm một trong những nhóm hàng hóa có mức tăng giá mạnh nhất, gần 12% và điều này khiến nhiều hộ gia đình phải chi phần lớn ngân sách hằng tháng tại các siêu thị.
Lạm phát tại Tokyo tăng cao nhất trong 40 năm
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 28/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại thủ đô Tokyo trong tháng 10 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua. Đây là bằng chứng mới cho thấy đồng yen yếu đang làm gia tăng áp lực lạm phát do giá hàng hóa cao hơn.
Israel bắt đầu tiêm liều 2 vaccine ngừa đậu mùa khỉ
Bộ Y tế Israel ngày 28/10 bắt đầu triển khai tiêm liều 2 vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh nước này tăng cường chiến dịch chống bệnh dịch này.
Vaccine đậu mùa khỉ được sản xuất gồm 2 liều, tiêm cách nhau 2 tuần. Tuy nhiên, tại thời điểm Israel bắt đầu sử dụng lô vaccine đầu tiên vào mùa Hè thì nguồn cung khan hiếm nên chỉ những đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ cao mới được tiêm mũi thứ nhất. Đến nay, Bộ Y tế Israel cho phép và khuyến khích những người đã nhận liều 1 tiếp tục tiêm liều thứ 2.
Bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng lan rộng tại châu Phi
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi công bố ngày 27/10, kể từ đầu năm nay, có 13 quốc gia châu Phi đã ghi nhận 6.883 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
CDC châu Phi lưu ý trong số này có 5.992 ca nghi nhiễm và 891 ca được xác nhận. Số ca tử vong do đậu mùa khỉ tại châu Phi là 173 ca, với tỷ lệ tử vong là 2,5%. Các ca này được ghi nhận tại 8 quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CH Congo, CHDC Congo, Ghana, Liberia và Nigeria và 5 quốc gia mà đậu mùa khỉ không phải bệnh lưu hành gồm Ai Cập, Maroc, Mozambique, Nam Phi và Sudan.
Thượng Hải (Trung Quốc) sử dụng rộng rãi vaccine ngừa COVID-19 dạng hít qua miệng
Theo Tân Hoa xã, từ tuần này, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã bắt đầu phân phối sử dụng vaccine ngừa COVID-19 dạng hít bằng đường miệng.
Chính quyền Thượng Hải đã thông báo về việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 mới trên trang mạng xã hội WeChat. Cho đến nay, 23 triệu người ở thành phố 26 triệu dân đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và hơn 12 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Mỹ thử nghiệm sử dụng thuốc Paxlovid trong điều trị COVID-19 kéo dài
Sáng kiến phục hồi của Viện Y tế quốc gia Mỹ đã lựa chọn thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer để nghiên cứu sử dụng với các bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.
Theo thông tin chi tiết về nghiên cứu đăng trên trang web Clinicaltrials.gov, thử nghiệm được thực hiện ngẫu nhiên, có kiểm soát, sử dụng cả thuốc của Pfizer và giả dược với nhóm 1.700 người, tuổi từ 18 trở lên. Thử nghiệm được thực hiện từ ngày 1/1/2023 dưới sự giám sát của Viện nghiên cứu lâm sàng Duke.Mỹ viện trợ thêm 30 triệu USD hỗ trợ Pakistan phục hồi sau thảm họa thiên tai lịch sử
Xung đột vũ trang tại Congo: Nhóm A3 đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp
Ngày 27/10, “Nhóm A3” - gồm các quốc gia châu Phi đang đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) là Kenya, Gabon và Ghana - đã kêu gọi tiến hành phiên họp khẩn cấp để giải quyết tình trạng gia tăng xung đột vũ trang gần đây ở miền Đông của Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 25 người sau vụ sập hầm mỏ khiến hàng chục người thiệt mạng
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/10 cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ 25 người có liên quan đến vụ sập hầm mỏ quốc doanh ở vùng Tây Bắc xảy ra trong tháng này khiến hàng chục người thiệt mạng. Theo hãng thông tấn Anadolu, trong số những người bị bắt có Giám đốc mỏ Cihat Ozdemir.
Ngày 27/10, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ viện trợ thêm 30 triệu USD giúp Pakistan phục hồi sau lũ lụt, với hy vọng có thể hỗ trợ thêm khoảng 2 triệu người dân nước này đang đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng sau thảm họa lịch sử.