EU, Đức ủng hộ WHO khởi động đm phán về “hiệp ước đại dịch”; Chưa c bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 ít hiệu quả với biến thể Omicron; Giới khoa học gấp rút “giải mã” biến thể mới Omicron… l tin tức thế giới đáng chú ý.
EU, Đức ủng hộ WHO khởi động đàm phán về 'hiệp ước đại dịch'
Ngày 29/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cần một nguồn tài trợ đáng tin cậy với những khoản đóng góp lớn hơn từ các nước thành viên để đối phó với đại dịch COVID-19. Bà khẳng định Đức ủng hộ WHO khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc liên quan đến việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.
Chuyên gia Australia: Chưa có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 ít hiệu quả với biến thể Omicron
Một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Australia ngày 29/11 đã kêu gọi người dân nước này cần bình tĩnh trước biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vì hiện chưa có đủ bằng chứng cho thấy biến thể mới này nguy hiểm hơn các chủng xuất hiện trước đó.
Chuyên gia Peter Collignon, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm và nhà vi sinh vật học của Đại học Quốc gia Australia (ANU), đánh giá các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Omicron (B.1.1.529).
Giới khoa học gấp rút 'giải mã' biến thể mới Omicron
Các nhà khoa học đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vaccine ngừa COVID-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.
Mỹ xác định mất khoảng 2 tuần mới có dữ liệu cuối cùng về biến thể Omicron
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ ngày 28/11 đã thông báo với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng sẽ phải mất khoảng 2 tuần mới có được dữ liệu cuối cùng về biến thể Omicron, vốn là nguyên nhân khiến nhiều nước trên thế giới ban bố các biện pháp hạn chế đi lại mới và làm rung chuyển các thị trường tài chính.
Philippines triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn
Philippines ngày 29/11 đã khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho 9 triệu người dân nước này chỉ trong 3 ngày với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh và hàng nghìn tình nguyện viên trong bối cảnh mối lo ngại về biến thể Omicron ngày càng gia tăng.
Anh khuyến nghị tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành
Các cố vấn khoa học của chính phủ Anh ngày 29/11 khuyến nghị chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 của nước này cần được mở rộng cho tất cả người trưởng thành, đồng thời rút ngắn một nửa thời gian giữa mũi tiêm thứ hai và mũi tăng cường xuống còn 3 tháng.
Czech đẩy sớm kế hoạch tiêm liều vaccine tăng cường cho người trên 60 tuổi
Thủ tướng Czech Andrej Babiš cho biết những người trên 60 tuổi và người mắc bệnh mãn tính có thể đăng ký tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 29/11 nếu đã hoàn thành tiêm đầy đủ hai mũi trong 5 tháng trước đó. Chương trình tiêm mũi tăng cường được triển khai sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, vốn dự kiến vào ngày 1/12 tới.
Các hãng dược phẩm nghiên cứu phát triển vaccine chống biến thể Omicron
Các hãng dược phẩm BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson (J&J) đang nghiên cứu phát triển các loại vaccine đặc hiệu chống Omicron, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong trường hợp các vaccine lưu hành hiện nay không có tác dụng ngăn chặn biến thể này.
Ireland xét nghiệm 10 ca nghi nhiễm biến thể Omicron
Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly ngày 29/11 thông báo nước này đang xét nghiệm hơn 10 ca nghi nhiễm Omicron - biến thể mới của SARS-CoV-2.
Theo Bộ trưởng Donnelly, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy toàn bộ số người này đều có đặc điểm khác biệt so với bị nhiễm biến thể Delta và cần tiến hành xét nghiệm PCR bổ sung để xác định chính xác biến thể mà những người này mắc phải.
Phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron liên quan đến một CLB bóng đá của Bồ Đào Nha
Ngày 29/11, giới chức y tế Bồ Đào Nha thông báo phát hiện 13 ca nhiễm biến chủng Omicron gây bệnh COVID-19, tất cả đều liên quan đến các cầu thủ và thành viên câu lạc bộ bóng đá Belenenses ở thủ đô Lisbon.
Chile cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ 7 nước châu Phi
Chính phủ Chile ngày 29/11 đã ban bố sắc lệnh nêu rõ, kể từ ngày 1/12, nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài từng có mặt trong vòng 14 ngày gần đây tại 7 nước châu Phi gồm Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Lesotho, Eswatini và Mozambique.
Biện pháp vừa được công bố sẽ không ảnh hưởng đến các công dân Chile và những người nước ngoài cư trú tại Chile, song những đối tượng này sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày nếu đã từng tới 7 quốc gia vừa đề cập.
Indonesia ngừng nhập cảnh đối với du khách 11 nước và vùng lãnh thổ
Ngày 28/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định ngừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng ở 10 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong vòng hai tuần qua nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.
Thái Lan yêu cầu du khách từ châu Phi được nhập cảnh vẫn phải cách ly
Trợ lý của người phát ngôn Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson ngày 29/11 cho biết khách quốc tế sẽ không được phép vào nước này nếu đến từ 8 quốc gia châu Phi là Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ ngày 2/12. Những người đến từ các quốc gia châu Phi khác sẽ được cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 ba lần.
Những người đã đến Thái Lan từ ngày /11 và đã rời khỏi khu cách ly trước 14 ngày sẽ được truy vết và theo dõi cho đến ngày thứ 14. Ngoài ra, những người đến từ các nước châu Phi sẽ không được phép vào Thái Lan theo chương trình “xét nghiệm và lên đường” hoặc chương trình “Hộp cát” du lịch.
Đức đối mặt với tình trạng thảm họa y tế vì dịch COVID-19
Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho hệ thống y tế Đức. Hiệp hội các bệnh viện nước này cảnh báo tình hình rất nghiêm trọng và có thể dẫn tới tình trạng thảm họa về y tế.
UNAIDS: Thế giới khó đạt mục tiêu loại trừ HIV/AIDS đúng hạn
Tỷ lệ lây nhiễm HIV trên thế giới chưa giảm đủ nhanh để đạt mục tiêu loại trừ bệnh AIDS vào năm 2030. Đây là kết quả báo cáo được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đưa ra ngày 29/11, hai ngày trước Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.
Tiếp tục cấm các hoạt động kinh doanh nguy cơ cao tại Phnom Penh
Những ngành nghề kinh doanh có nguy cơ cao tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia sẽ tạm thời bị cấm hoạt động thêm 7 ngày, từ ngày 29/11 đến 5/12/2021 để ngăn ngừa nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.
Chỉ thị mới của chính quyền đô thành Phnom Penh được công bố tối 29/11 cho biết trong những hoạt động kinh doanh/dịch vụ này có các quán karaoke (KTV), quán bar và câu lạc bộ đêm. Bên cạnh đó, chỉ thị cũng lưu ý việc cấm tụ tập các cá nhân trên 50 người trong thời gian nói trên, trừ các đám cưới, các nghi lễ tôn giáo và một số trường hợp ngoại lệ.
Lào: Cảnh báo người dân trước nguy cơ lây lan nhanh của biến thể Omicron
Ủy ban quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 đã cảnh báo người dân về biến thể mới Omicron, được ghi nhận lần đầu tiên ở Nam Phi vào ngày /11; đồng thời cho rằng biến thể này có thể lây truyền nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó.
Philippines: Đình chỉ quyết định cho phép du khách đã tiêm vaccine nhập cảnh
Ngày 29/11, Philippines đã tạm đình chỉ quyết định cho phép những du khách đã tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19 nhập cảnh nước này, trong nỗ lực ngăn chặn biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Philippines đưa ra quyết định trên trong bối cảnh nước này bắt đầu chiến dịch từ ngày 29/11-1/12 tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 9 triệu em từ 12 tuổi. Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này chưa ghi nhận bất cử ca nào nhiễm biến thể Omicron.
Nhật Bản: Tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài
Ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nước này sẽ tái áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài bắt đầu từ ngày 30/11, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về biến thể Omicron phát hiện lần đầu tại Nam Phi.
Indonesia có kế hoạch cắt giảm gói ngân sách ứng phó COVID-19
Chính phủ Indonesia đang cân nhắc kế hoạch phân bổ gói ngân sách nhỏ hơn nhiều dành cho công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 vào năm tới trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang trên đà phục hồi.
Bộ Tài chính dự kiến sẽ dành 414.000 tỷ rupiah (2,89 tỷ USD) cho ba hạng mục chi gồm chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội và phục hồi kinh tế vào năm tới, thấp hơn 44,35% so với gói ngân sách năm nay với năm hạng mục chi.
Hàn Quốc hoãn chuyển sang giai đoạn 2 trong lộ trình nới lỏng hạn chế
Ngày 29/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo nước này sẽ vẫn tiếp tục tiến trình đưa cuộc sống về trạng thái "bình thường mới", tuy nhiên tạm ngừng kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.
Australia xem xét lại kế hoạch mở cửa trở lại biên giới
Australia sẽ xem xét lại kế hoạch từ ngày 1/12 tới mở cửa trở lại biên giới cho những lao động có tay nghề và sinh viên, sau khi nước này ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron gây bệnh COVID-19.
Phát biểu với báo giới ngày 29/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh hiện còn “khá sớm” để áp đặt lại quy định cách ly bắt buộc tại khách sạn trong hai tuần đối với người nước ngoài, đồng thời khuyến cáo người dân bình tĩnh vì các dữ liệu hiện nay vẫn chưa xác định đầy đủ mức độ nghiêm trọng, khả năng lây nhiễm và kháng vaccine của biến thể Omicron.
Tín hiệu tích cực sau vòng đàm phán mới về vấn đề hạt nhân Iran
Đại sứ của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov ngày 29/11 cho hay những cuộc gặp đầu tiên trong vòng đàm phán mới nhằm mục đích nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã kết thúc và khởi đầu “một cách thành công mỹ mãn”.
Đồng quan điểm với đại diện của Nga, Trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran - ông Ali Bagheri Kani cũng bày tỏ lạc quan về những cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong ngày 29/11. Theo quan chức này, các bên tham dự vòng đàm phán mới nhất trí rằng chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Tehran.
Quốc hội Thụy Điển tiếp tục bầu bà Magdalena Andersson làm Thủ tướng
Ngày 29/11, Quốc hội Thụy Điển đã lần thứ hai trong chưa đầy một tuần qua bỏ phiếu xác nhận bà Magdalena Andersson - lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đồng thời là Bộ trưởng Tài chính nước này - giữ chức Thủ tướng.
WB, UNDP cảnh báo về khả năng phục hồi tại Mỹ Latinh
Ngày 29/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra báo cáo, trong đó bày tỏ lo ngại về tình hình hồi phục kinh tế của Mỹ Latinh và Caribe sau cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt trong các vấn đề việc làm, thu nhập hộ gia đình và an ninh lương thực.
Phó giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WB, ông Felipe Jaramillo, nhấn mạnh các quốc gia Mỹ Latinh cần đẩy mạnh thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19, như tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân để tạo thêm việc làm, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao chất lượng sống tại khu vực đô thị.
Trung Quốc không mời các quan chức Mỹ dự Olympic
Tờ báo Global Times ngày 29/11 trích dẫn lời một nhân vật giấu tên nắm được quá trình chuẩn bị của sự kiện thể thao quốc tế trên cho biết để chống dịch COVID-19, Bắc Kinh sẽ không mời khách diện rộng.
Tuy nhiên, Global Times chỉ ra rằng bối cảnh chính trị hiện nay đã dẫn đến quyết định không mời các quan chức Mỹ tham dự. Nhân vật giấu tên cho hay Trung Quốc tin tưởng thành công của Olympic mùa Đông không liên quan đến hiện diện của một số chính trị gia ủng hộ tư tưởng “tẩy chay ngoại giao” sự kiện này.
Gazprom thông báo lãi ròng quý cao nhất trong lịch sử
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 29/11 thông báo lãi ròng quý III đạt 581 tỷ ruble (7,8 tỉ USD), mức lãi ròng quý cao nhất trong lịch sử tâp đoàn này và dự kiến lãi còn cao hơn trong quý IV. Lãi quý cao nhất trước đây của Gazprom là gần 536 tỷ ruble trong quý I/2019.
Động đất độ lớn 6,5 tại Nhật Bản
Ngày 29/11, một trận động đất độ lớn 6,5 đã làm rung chuyển khu vực phía Đông Nam đảo Honshu của Nhật Bản.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học địa chất Đức GFZ cho biết tâm chấn nằm ở độ sâu 10 km. Không có cảnh báo sóng thần được đưa ra.