Tin vắn thế giới ngy 6/10: Nga thử nghiệm vaccine kết hợp ngừa COVID-19 v cúm m a

Bạch Dương| 06/10/2021 08:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỷ lệ ủng hộ Nội các mới của Nhật Bản đạt 55%; WHO cảnh báo cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa kết thúc; Indonesia thử nghiệm sống chung với COVID-19; Nga thử nghiệm vaccine kết hợp ngừa COVID-19 v cúm m a… l tin tức thế giới đáng chú ý.

Tỷ lệ ủng hộ Nội các mới của Nhật Bản đạt 55%

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên tới 55%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ phản đối (23,7%).

Cuộc thăm dò này do Kyodo tiến hành qua điện thoại trong hai ngày 4-5/10, sau khi ông Kishida được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Kết quả thăm dò cho thấy 46% số người được hỏi đặt kỳ vọng vào các chính sách kinh tế của tân Thủ tướng Kishida, nhưng cũng có 46% không có kỳ vọng gì.

noi_cac_nhat_ban.jpg
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa, phía trước) chụp ảnh chung với các thành viên nội các tại thủ đô Tokyo, ngày 4/10/2021.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chủ nghĩa đa phương

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến vừa qua, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Erywan Pehin Yusof, các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì chủ nghĩa đa phương, cũng như sự cần thiết phải đảm bảo tính trung tâm và thống nhất của ASEAN khi đối mặt với những thách thức khu vực đang nổi lên và những động lực địa chính trị đang chuyển động.

Nga, Mỹ khởi động tham vấn chiến lược tại Geneva

Đại diện thường trực của Mỹ về Giải trừ quân bị Robert Wood cho biết Mỹ và Nga đã bắt đầu các cuộc tham vấn chiến lược song phương tại Geneva (Thụy Sĩ) trong ngày 5/10, đồng thời bày tỏ hy vọng về các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về việc thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Pháp, Mỹ nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương

Ngày 5/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đang ở thăm thủ đô Paris của Pháp.

Đây là chuyến công du đến Pháp đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ khi mối quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu năm này rơi vào khủng hoảng do những tranh cãi liên quan hợp đồng tàu ngầm bị đổ bể giữa Pháp và Australia mà Mỹ có phần liên quan.

Pháp cảnh báo xem xét lại các thỏa thuận song phương với Anh

Ngày 5/10, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã để ngỏ khả năng xem xét lại mọi thỏa thuận song phương với Anh, cho rằng Anh đã không tôn trọng những cam kết trong vấn đề đánh bắt cá theo thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Castex cũng cho biết đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) có lập trường cứng rắn hơn đối với tranh chấp giữa Pháp và Anh liên quan đến quyền đánh bắt cá. Nếu việc dựa vào pháp luật trong khuôn khổ EU không mang lại hiệu quả, Pháp sẽ "đưa vấn đề này lên hội đồng trọng tài (thỏa thuận Brexit) để buộc người Anh giữ lời" và nếu cần sẽ xem xét lại tất cả các thỏa thuận song phương với Anh.

Đặc phái viên Anh gặp thủ lĩnh Taliban

Ngày 5/10, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Afghanistan Simon Gass đã gặp các thủ lĩnh Taliban tại Afghanistan, gồm các Phó Thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar và Abdul Salam Hanafi, nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo, chủ nghĩa khủng bố và việc đảm bảo sự đi lại an toàn cho những người muốn rời khỏi Afghanistan.

Chính phủ Romania thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ngày 5/10, chính phủ của Thủ tướng Romania Florin Citu theo đường lối tự do đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Diễn biến này đe dọa đẩy quốc gia ở vùng Balkan này rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới.

WHO cảnh báo cuộc chiến chống dịch COVID-19 chưa kết thúc

Phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến của WHO ngày 5/10, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết cơ quan này đã ghi nhận có 3,1 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua và 54.000 trường hợp thiệt mạng, dù con số thực tế có thể cao hơn.

Do vậy, bà Van Kerkhove cho rằng "tình hình hiện nay vẫn khá khó lường, bởi chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus". Bà cũng bày tỏ quan ngại việc tại một số thành phố, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện vẫn chật kín người nhưng trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt". Theo bà Van Kerkhove, do cách thức thế giới xử lý khủng hoảng, COVID-19 sẽ không bị loại trừ và vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.

covid-duc.jpg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức.

Trẻ em ít gặp phải 'COVID kéo dài' so với người lớn

Bộ Y tế Israel ngày 5/10 cho biết các bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn tiếp tục chịu đựng những triệu chứng trong vòng 6 tháng kể từ khi hồi phục, hay còn gọi là "COVID kéo dài" (Long COVID) với tỷ lệ khoảng 30% ở người lớn nhưng chỉ khoảng 4,6% ở trẻ em.

Thông báo của bộ trên cho biết các triệu chứng hậu COVID-19 bao gồm đau vùng ngực, gián đoạn hô hấp khi ngủ, mệt mỏi, khó thở, đau đầu… mà không thể điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị chóng mặt, nhức cơ, đau khớp, rụng tóc hoặc các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa và khứu giác.

Mũi vaccine nhắc lại cần thiết với người có hệ miễn dịch suy yếu

Kết quả của 3 nghiên cứu tại bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ít hiệu quả hơn đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu, nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho nhóm người dễ bị tổn thương này.

Trong các nghiên cứu trên, trung bình có 30% bệnh nhân suy giảm miễn dịch không phát triển khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm vaccine, trong khi 70% số bệnh nhân còn lại có phản ứng với vaccine, nhất là sau mũi tiêm thứ hai, nhưng ở mức độ thấp hơn so với người khỏe mạnh và có sự khác biệt giữa các nhóm.

Indonesia thử nghiệm sống chung với COVID-19

Ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, người phụ trách phối hợp các nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 ở Java và Bali, cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm. Quay trở lại cuộc sống bình thường ở Blitar. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn duy trì, nhưng hãy tiếp tục và tham gia vào đám đông”.

Ông nhấn mạnh rằng việc tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt là vẫn cần thiết và những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội cần phải được tiêm đủ vaccine COVID-19.

Nga thử nghiệm vaccine kết hợp ngừa COVID-19 và cúm mùa

Theo bộ phận báo chí của Công ty dược phẩm sinh học Nanolek của Nga, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nanolek đang phát triển vaccine kết hợp ngừa COVID-19 và cúm mùa.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Công nghệ y sinh (Biotechmed) ngày 5/10, Phó Tổng Giám đốc Maksim Stetsyuk - người đứng đầu bộ phận vaccine của Nanolek, cho biết quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine kết hợp này sẽ được bắt đầu sau khoảng 1,5 năm. Ông Nanolek tin rằng vaccine kết hợp sẽ làm giảm đồng thời nguy cơ từ dịch cúm và COVID-19.

sputnik-v-0421.jpg
Vaccine Sputnik V của Nga

Johnson & Johnson xin cấp phép cho mũi tiêm tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên

Ngày 5/10, hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ thông báo đã gửi dữ liệu lên Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp mũi tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19 của hãng này đối với người từ 18 tuổi trở lên.

Thái Lan triển khai tiêm vaccine cho lao động nhập cư

Ngày 5/10, Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động nhập cư, một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở nước này.

Chiến dịch dự kiến kéo dài đến cuối tháng 10 và có khoảng 5.000 người được tiêm chủng trong đợt này. Đến nay, khoảng 300 người lao động nhập cư và một số ít người tị nạn không có giấy tờ tại Thái Lan đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Đức tranh cãi quy định trẻ em đeo khẩu trang

Nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em và vị thành niên đang trở thành chủ đề tranh cãi tại Đức, giữa một bên phản đối việc bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đến trường và một bên ủng hộ kế hoạch này.

Theo một số chuyên gia, Đức vẫn đang trong "tâm điểm" của đại dịch COVID-19 và rằng mùa Thu và Đông có thể sẽ là thời điểm chứng kiến sự gia tăng của dịch bệnh. Quyết định trên có thể khiến trẻ em gặp rủi ro cũng như có thể làm gia tăng sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2.

Campuchia: Trên 84% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine

Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 4/10, hơn 13,5 triệu người, tương đương 84% trong tổng số dân khoảng 16 triệu người của Campuchia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Phát hiện tế bào 'điệp viên 2 mang' trong ung thư não

Theo nghiên cứu mới công bố của trường Đại học Tel Aviv (Israel), hai đối tượng được nghiên cứu bao gồm căn bệnh ung thư nguyên bào thần kinh đệm (GBM) - một trong những bệnh ung thư não phổ biến nhất - và các bạch cầu trung tính Neutrophil - loại bạch cầu phổ biến được tủy xương tạo ra và có chức năng quan trọng là thực bào giúp tấn công các vi khuẩn ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể.

Tiến sĩ Friedmann-Morvinski cho biết bạch cầu trung tính là những người lính tuyến đầu của hệ thống miễn dịch, nhưng sau đó chúng đã bị chính khối u "tuyển mộ". Từ vai trò chống ung thư, Neutrophil đã trở thành yếu tố kích thích ung thư. Kết quả là chúng làm trầm trọng thêm những tổn thương do khối u tạo ra.

Thuốc điều trị táo bón giúp tăng cường trí nhớ

Các nhà nghiên cứu Đại học Oxford (Anh) cho biết một loại thuốc được sử dụng để điều trị táo bón có thể giúp tăng cường trí nhớ của người sử dụng chỉ sau 6 ngày.

Tờ Telegraph (Anh) cho biết thuốc Prucalopride, còn có tên gọi là Resolor thường được sử dụng để điều trị vấn đề về tiêu hóa nhưng nghiên cứu mới cho thấy loại thuốc này có khả năng được sử dụng để xử lý suy giảm nhận thức nhẹ bắt nguồn từ rối loạn tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt.

051021-thuoctao.jpg
Thuốc Prucalopride, còn có tên gọi là Resolor. Ảnh: mims.co.uk

Cảnh báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn mức dự báo

Ngày 5/10, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva cảnh báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp hơn mức dự báo 6% trước đó, do đà phục hồi trúc trắc vì phân phối vaccine không công bằng và những lo ngại lạm phát trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo bà Georgieva, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) cập nhật tuần tới sẽ dự báo các nền kinh tế phát triển trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, nhưng hầu hết các nước đang phát triển và mới nổi sẽ cần nhiều năm hơn để phục hồi.

Cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế nếu nước Mỹ vỡ nợ

Ngày 5/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nếu nước Mỹ vỡ nợ, nền kinh tế hoàn toàn có thể rơi vào suy thoái, khi hạn chót cho việc nâng trần nợ vào ngày 18/10 đang đến gần.

Canada: Nhiều doanh nghiệp lùi kế hoạch trở lại văn phòng sang 2022

Nhiều doanh nghiệp Canada đã hoãn kế hoạch để nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng, dự kiến sang đầu năm 2022 thay vì vào mùa Thu này như kế hoạch ban đầu, đánh dấu gần hai năm làm việc từ xa, trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Delta có xu hướng gia tăng, các công ty đang cân nhắc sắp xếp công việc linh hoạt và cân đối nhu cầu của nhân viên.

Ấn Độ nguy cơ thiếu năng lượng như Trung Quốc, châu Âu

Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ về năng lượng trong những tháng tới do thiếu hụt than đá và nhu cầu tăng vọt thời kỳ hậu COVID-19.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ R. K. Singh cho biết thông tin trên trên ngày 5/10.

Nga đưa diễn viên lên trạm ISS để làm phim

Ngày 5/10, tàu vũ trụ Soyuz MS-19 của Nga đã đưa một diễn viên và một đạo diễn phim lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để thực hiện một bộ phim trên quỹ đạo Trái Đất, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện tác phẩm điện ảnh trực tiếp trong không gian vũ trụ.

Facebook tại Nga có thể bị phạt do chậm xóa nội dung bị cấm

Facebook đã thực hiện các yêu cầu của Nga xóa một số nội dung bị cấm, nhưng vẫn có thể phải đối mặt với án phạt nặng do mạng xã hội này chậm thực hiện yêu cầu nói trên. Đó là thông báo của Cơ quan giám sát viễn thông Roskomnadzor của Nga.

Động đất tại Nhật Bản

Ngày 6/10, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) thông báo một trận động đất có độ lớn 6,0 vào khoảng 2 giờ 46 phút sáng (theo giờ địa phương) tại tỉnh Iwate của nước này.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có cảnh báo nào về nguy cơ sóng thần trong khu vực. Trong khi đó, công ty điện lực Tohoku cho biết không có dấu hiệu bất thường ở các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Aomori và Miyagi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngy 6/10: Nga thử nghiệm vaccine kết hợp ngừa COVID-19 v cúm m a