Giá dầu thế giới tăng hơn 1% sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng; Cuộc chiến năng lượng với Nga c thể khiến châu Âu tổn thất 1.600 tỷ euro; Ấn Độ kiểm tra các mẫu siro ho nghi liên quan đến cái chết của 66 trẻ em ở Gambia… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên 6/10, “neo” ở mức cao trong ba tuần sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhất trí thắt chặt nguồn cung toàn cầu với thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, mức cắt giảm sản lượng lớn nhất của tổ chức này kể từ năm 2020.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,05 USD (1,1%) lên 94,42 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 69 xu Mỹ (0,8%) lên 88,45 USD/thùng, sau khi tăng 1,4% phiên 5/10.
Khí đốt Nga sang châu Âu bị gián đoạn, Algeria tăng giá khí đốt bán cho Tây Ban Nha
Ngày 6/10, tập đoàn dầu khí quốc gia của Algeria, Sonatrach, thông báo rằng họ đã ký hợp đồng với khách hàng chính của mình ở Tây Ban Nha, Naturgy, để sửa đổi giá khí đốt mà họ đang cung cấp cho đối tác này.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra hôm 6/10, tập đoàn của Algeria cho biết: "Sonatrach và đối tác của mình là Naturgy đã đồng ý sửa đổi giá của các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn hiện có theo diễn biến thị trường, nhờ đó đảm bảo được sự cân bằng trong hợp đồng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi". Thỏa thuận được ký kết tại Algiers bởi Giám đốc điều hành Sonatrach Toufik Hakkar và người đồng cấp tại Naturgy Francisco Reynes Massanet.
Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cao hơn
Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần hành động phối hợp nhằm ngăn chặn "điều bình thường mới nguy hiểm", trong bối cảnh các nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày một tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp.
Tuyên bố trên được bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 6/10 trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra vào tuần tới.
CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia từ cuối tháng 11/2022
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) Mohamed Azmin Ali cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bắt đầu có hiệu lực tại quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 29/11 tới.
Phát biểu trong phiên họp Quốc hội ngày 6/10, ông Azmin Ali cho hay tất cả các sửa đổi pháp lý liên quan đến CPTPP đã được Malaysia hoàn tất, trong đó một số ngoại lệ cùng sự linh hoạt liên quan đến quyền của người Malaysia bản địa (người Bumiputera) và một số thành tố mang tính bản địa theo CPTPP cũng được chấp nhận.
Thủ tướng Campuchia khẳng định kinh tế đang dần phục hồi
Ngày 6/10, phát biểu khai mạc Hội nghị Triển vọng Campuchia 2022, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cho biết việc đạt mục tiêu về phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm đòi hỏi khả năng giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp thông qua hợp tác, đoàn kết và thống nhất.
Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí theo dõi sát sao những động thái của Triều Tiên
Ngày 6/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tiến hành điện đàm liên quan tới các vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Triều Tiên. Động thái này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này trước đó cùng ngày.
Cộng đồng Chính trị châu Âu tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên
Ngày 6/10, lãnh đạo của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Âu đã có mặt tại CH Czech để tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC).
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh châu Âu đối mặt với hàng loạt khó khăn về kinh tế, năng lượng, trong khi hợp tác trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) không được như kỳ vọng.
Cuộc chiến năng lượng với Nga có thể khiến châu Âu tổn thất 1.600 tỷ euro
Theo các nhà phân tích tại công ty Yakov & Partners, chính sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến châu Âu thiệt hại 1.600 tỷ euro vào năm 2023.
Báo Vedomosti của Nga cho biết trong nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế trên về tình hình năng lượng hiện tại của châu Âu, các chuyên gia lưu ý rằng các nước EU đã triển khai hàng loạt biện pháp can thiệp tài chính nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
Thăm dò dư luận bầu cử Tổng thống Brazil: Ứng cử viên cánh tả chiếm ưu thế
Kết quả thăm dò dư luận do Viện Quaest công bố ngày 6/10 cho thấy ứng cử viên Đảng Lao động Brazil (PT) Luiz Inacio Lula da Silva sẽ giành chiến thắng với cách biệt 7 điểm trước đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro tại cuộc bỏ phiếu vòng hai trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Cụ thể, nhà lãnh đạo cánh tả Lula da Silva nhận được 48% ý kiến ủng hộ so với 41% của ông Bolsonaro, trong khi số cử tri lưỡng lự được ước tính khoảng 7% và 4% còn lại là những cử tri có ý định bỏ phiếu trắng hoặc phiếu không hợp lệ.
Ấn Độ kiểm tra các mẫu siro ho nghi liên quan đến cái chết của 66 trẻ em ở Gambia
Ấn Độ đang kiểm tra các mẫu siro trị ho, do công ty dược phẩm Maiden của nước này sản xuất, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các sản phẩm của Maiden có thể liên quan đến cái chết của 66 trẻ em ở Gambia.
Phát biểu với báo giới, ông Anil Vij, người đứng đầu cơ quan y tế bang Haryana - nơi công ty Maiden đặt nhà máy sản xuất cho biết các mẫu siro đã được chuyển lên phòng thí nghiệm dược phẩm trung ương để thử nghiệm. Ông khẳng định nhà chức trách Ấn Độ sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện bất kỳ điều gì sai trái.
Mozambique ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế Mozambique ngày 6/10 thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này.
Giới chức y tế Mozambique cho biết bệnh nhân là nam giới trưởng thành, được phát hiện thông qua xét nghiệm ngày 5/10, tại thành phố Maputo. Bệnh nhân có lịch sử đi lại và cơ quan chức năng Mozambique đang truy vết các ca tiếp xúc gần.
Nỗ lực tìm kiếm hàng chục người mất tích sau trận lở tuyết trên dãy Himalaya
Ngày 6/10, lực lượng cứu hộ Ấn Độ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm khoảng 20 người vẫn đang mất tích sau trận lở tuyết trên dãy Himalaya cách đây 2 ngày khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.
Nhà chức trách Ấn Độ đã huy động cả máy bay trực thăng của lực lượng không quân để hỗ trợ công tác tìm kiếm.
Vụ bạo loạn sân cỏ ở Indonesia: 6 đối tượng có thể bị truy tố hình sự
Ngày 6/10, Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia, Tướng Listyo Sigit Prabowo, cho biết 6 người đang đối mặt với truy tố hình sự liên quan đến thảm kịch cuối tuần qua trên sân vận động Kanjuruhan, tỉnh Đông Java, khiến ít nhất 131 người thiệt mạng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tướng Prabowo cho biết cảnh sát đã xác định 6 đối tượng, dựa trên kết quả điều tra và bằng chứng đầy đủ. Các đối tượng này bao gồm 3 cảnh sát bị cáo buộc sử dụng hơi cay, 3 người chịu trách nhiệm về trận đấu và an ninh.
Lại xảy ra bạo loạn nhà tù ở Ecuador
Nhà chức trách Ecuador ngày 6/10 thông báo ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 23 người bị thương trong các vụ đụng độ giữa các tù nhân, xảy ra tại nhà tù Guayas 1, ở thành phố Guayaquil của nước này trước đó 1 ngày.
Trong tuyên bố đăng trên trang Twitter, giới chức nhà tù cho biết có 5 tù nhân thiệt mạng, 18 tù nhân và 5 cảnh sát bị thương. Một số tù nhân đã sử dụng chất nổ khiến các tù nhân khác bị thương, cũng như làm hư hại nhà tù - vốn đang giam giữ gần 7.000 phạm nhân.
Hạn hán gia tăng ít nhất 20 lần trong năm 2022 do biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến cho các đợt hạn hán trên khắp Bắc bán cầu trong mùa Hè 2022 gia tăng ít nhất 20 lần, gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành nông nghiệp và sinh thái khu vực.
Đây là nội dung bản phân tích do Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) công bố ngày 5/10.
Lũ quét khiến nhiều người thiệt mạng tại Ấn Độ
Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee cho biết một trận lũ quét tại bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ xảy ra ngày 5/10 đã khiến 8 người chết, ngoài ra 70 người đã được các đội cứu trợ thảm họa giúp đỡ và 13 người khác đang được điều trị tại bệnh viện khu vực này.
Một số thành phố ở Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ tháng 10 cao kỷ lục
Trung Quốc đang phải đối mặt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xảy ra nắng nóng kỷ lục trong tháng 10 ở một số vùng gặp hạn hán. Các chuyên gia lo ngại khủng hoảng khí hậu đang khiến thời tiết trở nên bất ổn hơn.