Tin vắn thế giới ngy 8/4: Trung Quốc khẳng định vaccine COVID-19 nội địa an ton với người c tiền sử dị ứng

Bạch Dương| 08/04/2021 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Iran đánh giá cuộc đm phán tại Áo 'mở ra chương mới'; Tổng thống Indonesia kêu gọi phân phối cng bằng vaccine ngừa COVID-19; Trung Quốc khẳng định vaccine COVID-19 nội địa an ton với người c tiền sử dị ứng… l tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Iran đánh giá cuộc đàm phán tại Áo 'mở ra chương mới'

Ngày 7/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đánh giá các cuộc đàm phán mới được nối lại tại thủ đô Vienna của Áo đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 20 mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Về phần mình, Mỹ cũng đánh giá các cuộc đàm phán ban đầu với các đối tác về vấn đề hạt nhân Iran tại thủ đô Vienna đã diễn ra tích cực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định dù không họp trực tiếp với Iran, nhưng cuộc đàm phán này là một bước đi mang tính xây dựng, đáng hoan nghênh và hữu ích.

tong-thong-iran.jpg
Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Iran thông báo tiến độ sản xuất urani

Truyền hình nhà nước Iran ngày 7/4 dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên.

Các Bộ trưởng tài chính G20 họp trực tuyến

Ngày 7/4, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tiến hành họp theo hình thức trực tuyến nhằm thảo luận cách hợp tác về chính sách kinh tế để cùng phục hồi sau đại dịch COVID-19, hoãn nợ cho các nước nghèo và đề ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Hàn Quốc: Đảng cầm quyền thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương bổ sung

Theo công bố của Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc rạng sáng ngày 8/4, ông Oh Se-hoon, ứng cử viên của đảng đối lập Sức mạnh quốc dân đã đánh bại đối thủ của đảng Dân chủ cầm quyền với số phiếu áp đảo là 57,5% so với 39% của bà Park Young-sun để giành ghế Thị trưởng Seoul. Chiếc ghế Thị trưởng Busan - thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc - cũng thuộc về đảng Sức mạnh quốc dân sau khi ông Park Heong-joon giành chiến thắng trước đối thủ Kim Young-choon với tỷ lệ ủng hộ lên đến 63% so với 34% của đảng cầm quyền.

IMF nhận định khả năng Anh tăng trưởng vượt Mỹ và EU

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 7/4 cho biết kinh tế Anh phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng hàng đầu thế giới của nước này và chi tiêu ngân sách lớn. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF nhận định trong số các nền kinh tế phát triển, Anh sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2022, đạt 5,3% trong năm nay và 5,1% vào năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1988, nhưng nước này sẽ không đạt được mức tăng trước đại dịch cho tới năm sau.

Bầu cử Quốc hội Bulgaria: 6 đảng và liên minh tham gia Quốc hội mới

Hãng thông tấn Sofia ngày 7/4, dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử Trung ương Bulgaria (CEC) cho biết, với kết quả bầu cử trên 100% số phiếu được kiểm, có 6 đảng và liên minh có ghế tại Quốc hội mới ở nước này.

Tổng thống Indonesia kêu gọi phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19

Ngày 7/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bình luận về quá trình phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, trong đó cho rằng còn tồn tại quan điểm "chủ nghĩa dân tộc vaccine", làm cản trở việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới và kéo dài đại dịch toàn cầu này.

Nga chưa quyết định tham gia hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ tổ chức

Hãng tin RIA dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/4 cho biết giới chức Moskva và Washington đang liên lạc với nhau về việc liệu Nga có tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ tổ chức không, sau khi Tổng thống Joe Biden mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Anh, Indonesia tăng cường hợp tác phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngày 7/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này và Vương quốc Anh đang tăng cường hợp tác chống lại đại dịch COVID-19, đặc biệt là xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

CH Czech lần thứ tư thay bộ trưởng y tế trong hơn 1 năm

Thủ tướng Czech Andrej Babis ngày 7/4 đã bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện Praha Petr Arenberger làm Bộ trưởng Y tế, thay thế ông Jan Blatny - người giữ chức vụ này từ tháng 10/2020.

Như vậy, ông Petr Arenberger là người thứ tư đảm nhiệm chức bộ trưởng y tế của Séc kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào đầu năm ngoái.

Toà án Hiến pháp Congo xác nhận Tổng thống Sassou-Nguesso tái đắc cử

Ngày 6/4, Chủ tịch Toà án Hiến pháp Congo Auguste Iloki đã xác nhận Tổng thống Denis Sassou-Nguesso đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 vừa qua.

Nội các Sudan nhất trí bãi bỏ luật tẩy chay Israel

Ngày 6/4, nội các Sudan đã nhất trí bãi bỏ một đạo luật tẩy chay Israel ban hành năm 1958. Động thái này diễn ra 6 tháng sau khi hai nước đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

EU sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế và vấn đề di cư

Ngày 6/4, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến một chương trình nghị sự cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên về kinh tế và vấn đề di cư.

WHO kêu gọi thu hẹp bất bình đẳng về y tế trong giai đoạn dịch COVID-19

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các chính phủ cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho tất cả người dân, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng y tế và phúc lợi xã hội trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia.

Biến thể SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đã xuất hiện tại Thái Lan

Thái Lan ghi nhận ít nhất ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.7 của SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Trong cuộc họp báo của Bộ Y tế Thái Lan ngày 7/4, ông Yong Poovorawan - chuyên gia y tế chính phủ cho biết biến thể B.1.1.7 đã được tìm thấy trong mẫu xét nghiệm của người tại một ổ dịch ở thủ đô Bangkok.

Trung Quốc khẳng định vaccine COVID-19 nội địa an toàn với người có tiền sử dị ứng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết các loại vaccine COVID-19 của nước này an toàn với cả những người có tiền sử dị ứng, bao gồm cả dị ứng kháng sinh.

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông An Zhijie, quan chức phụ trách tiêm chủng tại CDC, cho biết dị ứng không có trong danh sách chống chỉ định đối với vaccine COVID-19 của Trung Quốc. Ngoài ra, các loại vaccine Trung Quốc hiện tại không chứa kháng sinh.

0704-vaccine-trung-quoc-1.jpg
Các cơ quan y tế Trung Quốc nỗ lực khuyến khích người dân tiêm phòng COVID-19. Ảnh: Xinhua

Châu Âu và Anh khẳng định lợi ích của vaccine AstraZeneca

Tối 7/4 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đã công bố đánh giá mới nhất liên quan đến vaccine của AstraZeneca. EMA khẳng định hiện tượng xuất huyết khối là phản ứng phụ hiếm gặp của vaccine này.

Trong khi đó, cơ quan dược phẩm Anh đã công bố báo cáo về vaccine AstraZeneca, trong đó cũng khẳng định hiện tượng xuất hiện huyết khối hiếm gặp trong não chỉ là phản ứng phụ có thể gặp phải khi tiêm vaccine này, và phản ứng phụ này cũng xuất hiện rất ít. Lãnh đạo cơ quan trên June Raine cũng nhấn mạnh bất cứ vaccine hiệu quả nào cũng không tránh khỏi có những tác dụng phụ, và trong trường hợp của vaccine AstraZeneca thì lợi ích từ vaccine này đối với đa số mọi người lớn hơn nhiều so với các nguy cơ.

Philippines cho phép sử dụng vaccine của Sinovac cho người cao tuổi

Ngày 7/4, giới chức y tế Philippines đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac đối với một số người cao tuổi trong bối cảnh nước này đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất ở châu Á.

Theo đó, những người cao tuổi tại Philippines có thể được tiêm vaccine CoronaVac của hãng Sinovac sau khi được kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt và đánh giá nguy cơ lây nhiễm. Trước đó, Philippines giới hạn việc tiêm vaccine này chỉ dành cho nhóm người từ 18 - 59 tuổi.

Singapore nghiên cứu tế bào T chống virus SARS-CoV-2

Bắt đầu từ tháng sau, công ty công nghệ sinh học ImmunoScape của Singapore sẽ tiến hành nghiên cứu về cách thức các tế bào T, một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, chống lại sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Hàn Quốc phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson

Ngày 7/4, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã phê chuẩn việc lưu hành vaccine ngừa bệnh COVID-19, do hãng Johnson & Johnson sản xuất.

Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất, trong khi vaccine của hãng AstraZeneca và vaccine của hãng Pfizer cần tiêm 2 liều. Hàn Quốc đã phê chuẩn vaccine của Johnson & Johnson sau khi thử nghiệm cho thấy loại vaccine này có hiệu quả phòng bệnh khoảng 66%, giúp ngăn ngừa mắc COVID-19 từ trung bình đến nặng ở những người trên 18 tuổi.

UNICEF đề xuất các biện pháp thúc đẩy phân phối vaccine công bằng

Ngày 6/4, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Henrietta Fore đề xuất cần đơn giản hóa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ (IPR) để sản xuất được nhiều vaccine ngừa COVID-19 hơn, trong bối cảnh trên 133.000.000 người đã mắc bệnh và trên 2,8 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Dịch COVID-19 có thể kéo theo một làn sóng bệnh nhân gặp rối loạn tâm thần

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Psychiatry ngày 6/4, các nhà khoa học cho biết cứ 3 bệnh nhân bình phục sau khi mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần trong vòng 6 tháng.

Nhật Bản công bố số liệu phân tích biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) đã tiến hành phân tích số liệu liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh, trong vòng 50 ngày từ ngày 1/2 đến ngày 22/3.

Kết quả công bố ngày 7/4 cho thấy, khả năng lây lan của SARS-CoV-2 chủng biến thể cao gấp 1,32 lần so với chủng thông thường, đặc biệt là tại các tỉnh Osaka, Hyogo, Miyagi.

Tỉnh Osaka không cho phép đoàn rước đuốc Olympic đi qua vì dịch COVID-19

Thống đốc tỉnh Osaka (miền Tây Nhật Bản), ông Hirofumi Yoshimura ngày 7/4 tuyên bố sẽ không cho phép các vận động viên rước đuốc Olympic Tokyo chạy trên các tuyến tỉnh lộ ở tỉnh này. Lý do đưa ra là số ca lây nhiễm dịch COVID-19 đang tăng mạnh khiến tỉnh đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế lần thứ hai.

Ba Lan và Nauy siết chặt các biện pháp phòng dịch

Bộ Y tế Ba Lan ngày 7/4 cho biết nước này sẽ gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 đến ngày 18/4 vì nhà chức trách lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ ba có thể nghiêm trọng hơn sau lễ Phục Sinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg ban đầu dự định trình kế hoạch mở lại nền kinh tế trước lễ Phục Sinh, nhưng sau đó lại phải phải siết chặt các biện pháp phòng dịch như cấm bán đồ uống có cồn và bắt buộc cách ly 10 ngày tại khách sạn được chỉ định đối với mọi công dân từ nước ngoài trở về.

Hungary nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19

Các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ của Hungary sẽ mở cửa trở lại từ ngày 7/4, trong bối cảnh hơn 25% trong tổng số 10 triệu dân của quốc gia Trung Âu này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đối mặt với nguy cơ phá sản

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang đối mặt với nguy cơ phá sản do cáo buộc không trả hơn 400 triệu USD tiền thu.

Theo đó, tối 6/4, ông Najib Razak cho biết giới chức thuế đã gửi thông báo yêu cầu ông thanh toán hóa đơn thuế, cộng thêm chi phí bổ sung, nếu không họ sẽ bắt đầu thủ tục tuyên bố phá sản đối với ông. Nếu ông Najib Razak bị tuyên bố phá sản, ông sẽ mất ghế tại Quốc hội và bị cấm ra tranh cử.

Iran xác nhận tàu Saviz bị tấn công ở Biển Đỏ

Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Iran xác nhận tàu Saviz của nước này đã trở thành mục tiêu bị tấn công ở Biển Đỏ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: "Một vụ nổ đã xảy ra vào sáng 6/4 gần bờ biển Djibouti và gây thiệt hại nhỏ, không gây thương vong. Đây là tàu dân sự neo đậu tại đó nhằm bảo đảm an ninh trong khu vực trước nạn cướp biển". Ông Khatibzadeh cho biết Iran đang tiến hành điều tra vụ tấn công này. Trước đó, ngày 6/4, truyền thông khu vực Trung Đông đưa tin con tàu này đã bị trúng thủy lôi.

Thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức cao kỷ lục

Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/4 cho hay thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 2/2021, do xuất khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu trong bối cảnh hoạt động kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi nhanh hơn các nước đối tác thương mại.

Trên 20 VĐV thể dục dụng cụ Hy Lạp tố cáo bị HLV lạm dụng

Trong bức thư gửi tới Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou cùng Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis trong tuần này, và được công bố trên nhật báo EfSyn số ra ngày 7/4, trên 20 vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ Hy Lạp đã lên tiếng tố cáo các huấn luyện viên (HLV) của họ đã lạm dụng và ngược đãi đến mức "gần như bị tra tấn" trong nhiều thập kỷ qua.

Theo các VĐV, những hành động "thô bạo và lạm dụng" diễn ra từ năm 1985 như bị ép buộc phải nhịn ăn, bị ngược đãi cả về tinh thần và thể xác cũng như quấy rối tình dục. Bức thư cho biết các HLV đã tát, đá và ném đồ vật vào các VĐV trong quá trình huấn luyện, thậm chí còn giật tóc một số VĐV nữ.

Ít nhất 100 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở biên giới Ethiopia

Ngày 7/4, nguồn tin của chính quyền Ethiopia cho biết đã có ít nhất 100 thiệt mạng trong cuộc đụng độ tại các vùng Somali và Afar thuộc khu vực biên giới.

Đây là đợt bùng phát bạo lực mới nhất xảy ra trước cuộc bầu cử quốc gia, dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới.

Máy bay hạ cánh nhầm xuống sân bay đang xây dở

Theo kênh CNN, hãng hàng không Ethiopia đã xác nhận sự cố trên ngày 5/4.

Chuyến bay hạ cánh nhầm là chuyến bay chở hàng từ Addis Ababa ở Ethiopia tới sân bay Simon Mwansa Kapwepwe. Tuy nhiên, phi công đã cho máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Copperbelt mới ở Zambia. Sân bay này đang xây dở, chưa được khánh thành. Dù vậy, chuyến bay ET 3891 vẫn hạ cánh an toàn ở sân bay mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngy 8/4: Trung Quốc khẳng định vaccine COVID-19 nội địa an ton với người c tiền sử dị ứng