Tổng thống Biden bảo vệ kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD; Cng bố Sách xanh quan hệ EU-ASEAN năm 2021; Chính trường Đức chia rẽ vì vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Tổng thống Biden bảo vệ kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/5 đã bảo vệ Kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD sau một báo cáo về việc làm không khả quan. Ông cho rằng dữ liệu mới của báo cáo nói trên là minh chứng cho sự cần thiết của gói cứu trợ và cần thêm thời gian để phục hồi nền kinh tế.
Tổng thống Biden đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh số liệu công bố trước đó cùng ngày cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 266.000 việc làm trong tháng 4 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 6,1%. Những con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.
Công bố Sách xanh quan hệ EU-ASEAN năm 2021
Ngày 7/5, nhân Tuần lễ kỷ niệm Ngày châu Âu (9/5), Phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp với Ban thư ký ASEAN đã tổ chức công bố Sách xanh quan hệ EU-ASEAN năm 2021.
Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesman nhấn mạnh rằng Sách xanh quan hệ EU-ASEAN năm 2021 là ấn phẩm “rất đặc biệt” khi được công bố chỉ 5 tháng sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 vào tháng 12/2020 – sự kiện mở ra chương mới và là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ lâu đời giữa hai bên bằng quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.
Myanmar khẳng định sẽ hợp tác với đại diện của ASEAN
Ngày 7/5, người phát ngôn Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar (SAC), Kaung Htet San cho biết quân đội nước này đang tập trung ổn định tình hình trong nước trước khi đặc phái viên của Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tới thăm Myanmar theo đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo khu vực đã nhất trí hồi tháng trước.
Các nền kinh tế châu Á cần tăng cường hợp tác để chữa lành 'vết sẹo' do COVID-19
Các nền kinh tế châu Á cần tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm tàng và chữa lành những "vết sẹo lâu dài" mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với sự phát triển kinh tế. Lời kêu gọi trên được bà Chayawadee Chai-Anant, Giám đốc cấp cao của Ban kinh tế và chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, đưa ra mới đây.
Trung Quốc đề xuất tổ chức họp với các ngoại trưởng ASEAN
Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin chính phủ ngày 7/5 cho biết Trung Quốc đã đề xuất tổ chức một cuộc họp các ngoại trưởng với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tháng 6 tới tại Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc tổ chức cuộc họp này ở một thành phố không phải thủ đô Bắc Kinh.
Căng thẳng ngoại giao giữa Cuba và Colombia
Bộ Ngoại giao Cuba ngày 7/5 đã ra thông cáo phản đối việc Chính phủ Colombia trục xuất Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Cuba tại Bogota, ông Omar Rafael Garcia, sau khi tuyên bố ông Garcia là nhân vật không được chào đón.
Theo thông cáo đăng tải trên trang web chính thức, Bộ Ngoại giao Cuba gọi hành động nói trên của Chính phủ Colombia là “quyết định không thân thiện” gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hoạt động bình thường của phái bộ ngoại giao Cuba tại Bogota.
Thủ tướng Pakistan thăm Arab Saudi
Ngày 7/5, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Arab Saudi theo lời mời của Thái tử nước này Mohammed bin Salman.
Truyền thông nhà nước Arab Saudi đưa tin trong chuyến thăm này, dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mối quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Chính trường Đức chia rẽ vì vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga
DW cho rằng vaccine phòng COVID-19 Sputnik V là công cụ quyền lực mềm mới của Nga để đẩy mạnh tầm ảnh hưởng. Trong khi đó, chính quyền một số tiểu bang Đức và chính phủ lại có quan điểm khác biệt về Sputnik V.
Trong chuyến đi đến Moscow vào cuối tháng 4, Thủ hiến bang Saxony (Đức) Michael Kretschmer tuyên bố kế hoạch mua 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Nga sản xuất Sputnik V và hàng hóa được chuyển giao trong mùa Hè này. Kênh DW (Đức) cho biết tuyên bố này dẫn đến nhiều bất ngờ bởi được đưa ra bởi một lãnh đạo tiểu bang chứ không phải quan chức chính phủ.
Quỹ Kaiser: Người dân Mỹ ít tin tưởng vaccine Johnson & Johnson
Kết quả khảo sát mới đây do Quỹ Kaiser tiến hành cho thấy chưa tới một nửa số người Mỹ được hỏi tin vào độ an toàn của vaccine Johnson & Johnson (J&J) sau khi vaccine này bị tạm ngừng sử dụng tại Mỹ do gây ra một số trường hợp đông máu cho người sử dụng.
Cụ thể, trong tổng số 2.097 người từ 18 tuổi trở lên được hỏi trong khoảng thời gian từ ngày - 29/4, chỉ có 46% bày tỏ tin tưởng vaccine J&J, trong khi có tới 69% dành niềm tin cho vaccine Pfizer/BioNtech và Moderna.
Pfizer và BioNTech đề nghị FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine chung
Hai hãng dược Pfizer và BioNTech vừa đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine COVID-19 do hai hãng này phối hợp sản xuất để loại bỏ những hạn chế liên quan đến việc phân phối và quảng cảo sản phẩm.
Anh đưa ra hướng dẫn mới về vaccine AstraZeneca
Ngày 7/5, Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch (JCVI) - cơ quan tư vấn chương trình tiêm chủng cho Chính phủ Anh - cho rằng những người dưới 40 tuổi nên tiêm một loại vaccine phòng bệnh COVID-19 khác, không phải của AstraZeneca, do lọai vaccine này có nguy cơ gây cục máu đông hiếm gặp, dù nguy cơ là rất nhỏ.
Công ty Biological E. (Ấn Độ) dự định sản xuất vaccine vào tháng 8 tới
Ngày 7/5, công ty Biological E. của Ấn Độ cho biết sẽ sớm bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn III đối với vaccine ngừa COVID-19 và dự định từ tháng 8 tới sẽ sản xuất 75 triệu – 80 triệu liều vaccine mỗi tháng.
Campuchia đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm
Ngày 7/5, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia công bố kế hoạch có tên “Nở hoa” với mục tiêu đạt miễn dịch kinh tế-xã hội đối với dịch COVID-19 tại nước này vào cuối năm nay.
Campuchia dự kiến nhận thêm 7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian từ tháng 5-7 tới và 2,5 triệu liều nữa từ tháng 8-9 tới.
Hong Kong rút ngắn thời gian cách ly với người đã được tiêm vaccine
Chiều 7/5, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố sẽ rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) kể từ ngày 12/5.
Pháp bổ sung danh sách các nước bắt buộc cách ly khi nhập cảnh
Nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, Pháp đã bổ sung 7 quốc gia vào danh sách mà công dân hay hành khách từ các nước này nhập cảnh Pháp sẽ phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 10 ngày.
Ngày 7/5, hãng tin AFP của Pháp dẫn một nguồn tin Chính phủ Pháp cho biết các quốc gia có tên trong danh sách trên gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar. Biện pháp cách ly bắt buộc đối với hành khách đến từ những nước này sẽ có hiệu lực từ 0h00 ngày 8/5.
Philippines tăng thời gian cách ly đối với hành khách nhập cảnh
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines ngày 7/5 thông báo biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh.
Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines nêu rõ thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này sẽ tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, trong bối cảnh Philippines nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 8 đối tượng tình nghi IS
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ngày 7/5 cảnh sát nước này đã bắt giữ ít nhất 8 đối tượng tình nghi là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Bệnh nấm đen chết người bùng phát trở lại Ấn Độ giữa ‘sóng thần’ COVID-19
Khi Ấn Độ đang phải chống chọi với sự gia tăng chưa từng thấy của các trường hợp mắc COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh thứ 2, các bác sĩ trên khắp đất nước đã ghi nhận nhiều ca bệnh nhiễm “nấm đen” nguy hiểm khác.
Theo đài Sputnik (Nga), bệnh nhiễm trùng nấm đen hay Mucormycosis (trước đó còn được gọi là Zygomycosis) là căn bệnh nhiễm trùng nấm nặng nhưng hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có vấn đề sức khoẻ hoặc sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và mầm bệnh của cơ thể.
Đức sửa đổi luật quản lý các mạng xã hội
Trong cuộc chiến chống các hành động thù hận và kích động trên mạng Internet, ngày 6/5, Quốc hội Đức đã thông qua Luật Thực thi mạng (NetzDG) sửa đổi nhằm tăng quyền lợi của người dùng trong việc nhanh chóng báo cáo các nội dung không phù hợp trên mạng.
Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho người dùng thực hiện việc báo cáo một cách đơn giản và dễ dàng một khi họ bị đe dọa hoặc bị xúc phạm trên mạng Internet.
Bão cát từ Trung Quốc bao trùm toàn bộ đất nước Hàn Quốc
Cơ quan thời tiết quốc gia Hàn Quốc ngày 7/5 thông báo khu vực miền Trung và Tây Hàn Quốc đã bị bao phủ bởi một cơn bão bụi vàng bắt nguồn từ Sa mạc Gobi ở miền Nam Trung Quốc và Mông Cổ. Nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo bụi mịn cao ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận.
Núi lửa Sinabung tiếp tục phun cột tro bụi cao 2.800 mét
Ngày 7/5, núi lửa Sinabung nằm ở huyện Karo, tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia tiếp tục phun trào với cột tro bụi cao tới 2.800 mét. Giới chức cảnh báo người dân trong khu vực duy trì cảnh giác do ngọn núi này vẫn trong tình trạng báo động cao.