Bất động sản

Tồn kho bất động sản cán mốc gần 26.000 sản phẩm

Trang Nguyễn 01/11/20 16:34

Quý 3/20, lượng hàng tồn kho chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tiếp tục tăng cao trong bối cảnh giá bất động sản nhà ở tiếp tục xu hướng tăng tại một số khu vực.

Báo cáo của Bộ Xây dựng tổng hợp từ các địa phương cho biết, tính đến hết quý 3/20, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng mạnh so với quý trước.

Cụ thể, tổng lượng tồn kho lên đến 25.937 sản phẩm bất động sản, trong đó có 4.688 căn chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ và 8.999 nền đất. Đây là các sản phẩm đủ điều kiện bán hàng nhưng chưa được giao dịch.

dsb-cuoi-nam.png

Ở quý trước đó, lượng hàng tồn kho vào khoảng 17.105 sản phẩm. Như vậy, lượng tồn kho bất động sản đã tăng gần 52% sau một quý.

Báo cáo cũng cho biết có 141.363 giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý vừa qua. Trong đó, gần 103.000 lượt giao dịch thuộc loại hình đất nền, chiếm 73%. So với quý II, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đã có xu hướng tăng, trong khi giao dịch đất nền giảm 18%.

Về giá, Bộ Xây dựng cũng cho biết, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn. Hiện tượng tăng giá có tính cục bộ, xảy ra ở một số khu vực, loại hình, phân khúc bất động sản dẫn đến tác động làm tăng giá chung.

Với chung cư, giá căn hộ tại Hà Nội, TP.HCM tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Thậm chí, Bộ Xây dựng cho biết có một số khu vực tăng cục bộ khoảng 35-40% so với quý trước.

Với biệt thự, nhà ở liền kề trong dự án, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tại Hà Nội, giá có xu hướng tiếp tục tăng so với quý trước. Phần lớn các dự án mở bán mới trong quý này có vị trí thuận lợi, nằm ở các khu vực đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao.

Giá thứ cấp của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội quý này đạt trung bình khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm. Một số dự án tại các khu vực như Đông Anh và Long Biên mức tăng giá thứ cấp tăng khoảng 5% theo quý, nhờ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm của các dự án mới đang dần hoàn thiện.

Còn tại TP.HCM, báo cáo cho hay giá sơ cấp gần như ổn định. Một số khu vực giá giảm mạnh ở phân khúc cao cấp, diện tích rộng, giảm khoảng 14% theo quý và 28% theo năm. Riêng các sản phẩm có giá dưới 10 tỷ đồng có giao dịch khá tốt.

dsb-cuoi-nam-20.jpg

Về nguyên nhân tăng giá bất động sản, báo cáo chỉ ra 4 tác nhân chính. Thứ nhất, chi phí liên quan đến đất đai gần đây tăng do một số địa phương áp dụng phương pháp tính giá đất cũng như áp dụng bảng giá đất mới.

Đặc biệt, một số địa phương, khu vực tổ chức đấu giá đất với kết quả cao đã làm tăng mặt bằng giá đất, giá nhà ở tại địa phương đó và khu vực lân cận. Hiện tượng này cũng làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường.

Thứ hai, có hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Nhóm này lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.

Thứ ba là tình trạng thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Thứ tư là biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư. Nhiều người chuyển dịch dòng tiền sang nhà, đất, xem đây là nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tồn kho bất động sản cán mốc gần 26.000 sản phẩm