Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm: Huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực giáo dục, công tác giảng dạy

Duy Tuấn 09/11/20 - :21

Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho nhà giáo sự phấn khởi, được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Nêu ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, dự thảo luật mới chỉ quy định "những điều chưa được quy định mà chưa thể hiện được tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục, trong đó chủ thể chính là nhà giáo".

Tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô trong công tác giảng dạy

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phải xác định người thầy là một nhà khoa học có chuyên môn rất sâu. Do đó, mối quan hệ giữa thầy giáo - nhà khoa học như thế nào cần được thể hiện trong dự luật.

tl1.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ.

Về học tập suốt đời, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nếu quy định khô cứng trong luật "thì rất khó, không thể hiện được tinh thần học tập suốt đời, trong đó có các đề xuất về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo.

"Thầy giáo mà quy định nghỉ hưu không được giảng dạy nữa sẽ rất khó khăn, trong khi chúng ta là chính sách học tập suốt đời. Thầy càng lớn tuổi, càng có uy tín. Nếu chúng ta quy định không phù hợp sẽ không huy động được nguồn lực", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Cho rằng cần có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực giáo dục, công tác giảng dạy, Tổng Bí thư cho biết ở các môi trường giáo dục đặc biệt, càng cần chính sách này hơn.

tl2.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Dẫn việc học sinh phải đi học xa nhà hàng chục cây số, một số nơi chưa có điểm bán trú cho học sinh, các thầy cô cũng chưa được đảm bảo về nhà công vụ..., Tổng Bí thư nêu và yêu cầu dự luật cần rà soát, bao quát các chính sách để thể hiện đầy đủ nhất.

Tổng Bí thư cũng cho rằng phải coi khu vực miền núi là môi trường giáo dục đặc biệt, bởi còn rất nhiều khó khăn. Ở đó, thầy cô giáo vừa làm công tác giảng dạy, vừa kêu gọi học sinh đến trường, vừa nuôi học sinh. Giáo viên ở khu vực này hy sinh rất nhiều.

Tổng Bí thư nêu quan điểm Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô trong công tác giảng dạy. Không ban hành luật để thầy cô thấy khó khăn hơn trong môi trường giáo dục.

Giải quyết tận gốc việc thiếu giáo viên

Tổng Bí thư cho rằng, luật phải giải quyết nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên, và phải xác định đã có trò, có thầy, phải có trường. "Không thể vì quy hoạch, quản lý thế nào mà không có trường được. Đây là vấn đề đang rất thời sự và các chính sách phải được bao quát".

Tổng Bí thư cho biết hiện để nắm số lượng học sinh đến trường mỗi năm tại từng địa phương rất dễ dàng nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phải căn cứ vào đó để có phương án bố trí thầy cô.

Theo Tổng Bí thư, đã nói đến thầy, phải có trò, nên dự luật phải giải quyết như thế nào về quan hệ thầy - trò. "Chúng ta chắc không có luật về trò, nhưng đã nói đến thầy, phải có trò, và trong luật phải giải quyết được thật tốt mối quan hệ rất quan trọng thầy - trò".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư T Lâm: Huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực giáo dục, cng tác giảng dạy