Chiều 26/10, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6 (Bão Trà My), hiện đang tiến sát đất liền và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh ven biển miền Trung - khu vực do EVNCPC quản lý hệ thống điện.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 14 giờ ngày 26/10, tâm bão ở vị trí 17 độ vĩ Bắc; 112.2 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng 440km về phía Đông Đông Bắc. Vùng gần tâm bão có sức gió mạnh cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp , di chuyển với tốc độ 20km/h theo hướng Tây Tây Nam.
Trong -72 giờ tới, bão có thể đổi hướng, suy yếu dần, song vẫn gây mưa to và gió giật mạnh trên diện rộng. Nguy cơ mưa lớn tập trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, nơi dự kiến có tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi lên đến trên 700mm. Đối với khu vực Bình Định và Bắc Tây Nguyên, dự báo mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Phòng chống tiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) EVNCPC đã yêu cầu các Công ty Điện lực, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung và các đơn vị thành viên triển khai ngay các biện pháp đối phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, và sạt lở đất. Các đơn vị cần kiểm tra và gia cố các điểm xung yếu, đảm bảo an toàn tại các vị trí có nguy cơ sạt lở; đồng thời, chuẩn bị nhu yếu phẩm và tái lập ca trực cho các TBA 110kV không người trực.
Hệ thống viễn thông và CNTT phải được kiểm tra kỹ lưỡng để duy trì liên lạc thông suốt phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các thiết bị liên lạc vệ tinh và vô tuyến. Các máy phát điện dự phòng cũng cần sẵn sàng vận hành trong trường hợp hệ thống lưới điện bị ảnh hưởng.
Tại các cơ sở có nhân sự trực vận hành, kho bãi, và các TBA 110kV, các đơn vị phải đảm bảo an toàn trước nguy cơ ngập lụt và sạt lở. Nếu phát hiện khu vực có nguy cơ cao, yêu cầu di dời nhân viên để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, các công tác phát quang hành lang cũng cần được triển khai, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý cây xanh có nguy cơ ngã đổ, gây sự cố trên lưới điện.
Đối với các đơn vị vận hành các nhà máy thủy điện, lãnh đạo EVNCPC yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành liên hồ, lệnh điều tiết của chính quyền, đảm bảo an toàn hồ đập và bố trí lực lượng trực /7 để theo dõi sát diễn biến bão, sẵn sàng ứng phó theo thông tin cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư nhấn mạnh: “Bảo đảm an toàn lao động là ưu tiên hàng đầu trong quá trình ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão”. Mỗi đơn vị sẵn sàng đội xung kích (gồm 40 người/đơn vị) để hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các đơn vị khác sau bão; đảm bảo an toàn cho khách hàng và CBCNV; các đơn vị kích hoạt, triển khai các phương án đã được lập; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư phòng chống lụt bão.
Hiện tại, EVNCPC huy động sẵn sàng 35 đội xung kích với 768 nhân sự (gồm cán bộ kỹ thuật, cán bộ an toàn, công nhân) và trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ: 123 xe thi công, 79 xe chở người, 769 bộ dụng cụ an toàn, 260 cột sắt lắp ghép, 57 cột bê tông ly tâm từ 16m, và 79 máy phát điện một pha.
Ngoài ra, EVNCPC có thể huy động thêm 910 nhân lực từ các đơn vị thi công bên ngoài với 61 xe múc, 86 xe tải và 181 bộ dụng cụ thi công để nhanh chóng khắc phục các sự cố sau bão.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần khẩn trương, EVNCPC và các đơn vị trực thuộc đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo an toàn và cung cấp điện ổn định cho khu vực miền Trung trước tình hình bão số 6 đang diễn biến phức tạp.