Sáng nay (5/11), dưới sự chủ trì của Ph Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đon Hồng Phong.
Mở đầu phiên chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong bày tỏ cảm ơn đến các ĐBQH đã lựa chọn lĩnh vực thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực để chất vấn, qua đó giúp ngành Thanh tra phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển cơ quan sang điều tra. Trong đó có vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, tạo đột phá trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu thực tế so sánh với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra của năm nay tăng 17,9%, tuy nhiên kết quả thu hồi chỉ đạt 60,3%, qua đó cho thấy kết quả xử lý sau thanh tra vẫn còn những bất cập, hạn chế.
Theo đại biểu, qua giám sát cho thấy vẫn còn một số kết luận thanh tra chậm được ban hành, có cuộc thanh tra trên 5 năm vẫn chưa có quyết định. Một số nội dung trong kết luận thanh tra, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng chưa bám sát thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục, chưa đảm bảo tính khả thi dẫn đến thời hạn thực hiện kéo dài, khó dứt điểm. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ tình trạng nêu trên.
Còn đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý.
Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo chung và lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề có liên quan. Đã và đang chỉ đạo công tác thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo TƯ về CPTN, tiêu cực và Chính phủ giao. Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo ban hành kế hoạch thanh tra, giám sát đoàn thanh tra,…
Tổng TTCP cho chủ trương để Phó Tổng phụ trách TTCP ký ban hành và công khai kết luận thanh tra và báo cáo BCĐ và Thủ tướng về kết quả thanh tra; Chỉ đạo các Cục, Vụ, đôn đốc xử lý sau thanh tra và báo cáo BCĐ và Thủ tướng.
Thời gian qua, TTCP đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra có quy mô lớn, qua đó căn cứ kết quả thanh tra kiến nghị các cơ quan xử lý theo pháp luật. Như việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, Vụ AVG, Nhiệt điện Thái Bình 2 và Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư giả, vụ án Phan Văn Anh Vũ,…. Những cuộc thanh tra đột xuất này được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm và báo cáo BCĐ, Thủ tướng xem xét chỉ đạo.
Trong quá trình thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng sang CQĐT xử lý, đồng thời chuyển danh sách cán bộ sai phạm sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Về việc phân cấp cho các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ hiện đang được thực hiện phân cấp theo một số lĩnh vực.
Hoàn thiện pháp luật để khắc phục tình trạng thu hồi tài sản thấp
Trả lời câu hỏi của đại biểu về nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước song Thanh tra Chính phủ đánh giá tỷ lệ vẫn thấp.
Nguyên nhân do một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.
Số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi; có tình trạng tẩu tán tài sản.
Đặc biệt là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán .... Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới sẽ hoàn thiện pháp luật về vấn đề này để khắc phục tình trạng nêu trên.
Về nguyên nhân vì sao chậm thực hiện kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết hay, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị xử lý chứ không có thẩm quyền kỷ luật. Hiện có sự khác nhau về thời hiệu kỷ luật đảng và xử lý hành chính, do đó có một số trường hợp bị kỷ luật đảng nhưng kỷ luật hành chính đã hết thời hiệu. Hiện nay Chỉnh phủ đang trình Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi vấn đề này.
Về thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ đối với người dân, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, có thực trạng này, và phổ biến là cố tình kéo dài thời gian, trả lời chung chung, chưa sát với nội dung để người dân phải đi lại nhiều lần, bằng nhiều mẹo khác nhau để vụ lợi cá nhân.
Các biện pháp xử lý chồng chéo trong thanh tra
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, một số trường hợp xảy ra đối với đối tượng là cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do có sự giao thoa trong quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra và Kiểm toán nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính công, tài sản công, đầu tư xây dựng.
Khắc phục vấn đề này, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong việc xử lý chồng chéo. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác của hai cơ quan, định kỳ đánh giá việc thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp.
Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Theo đó, trong một năm kế hoạch, không được tiến hành thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung tại một đối tượng cụ thể (cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp). Trường hợp không trùng về nội dung thì 2 cơ quan thống nhất, tránh chồng chéo về thời gian tiến hành thanh tra, kiểm toán để không ảnh hưởng hoạt động bình thường của đơn vị.
Trường hợp cần thiết phải thanh tra do có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hoặc cần phải phát hiện, xử lý kịp thời vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra trao đổi, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước để cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra.
Nếu không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để trao đổi với Tổng Kiểm toán Nhà nước thống nhất xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán, hai cơ quan Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đều gửi dự thảo kế hoạch cho nhau và trực tiếp làm việc, trao đổi để loại bỏ chồng chéo, trùng lắp trong kế hoạch.
Trường hợp xảy ra việc chồng chéo về đối tượng, nội dung thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, thì hai cơ quan Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước chủ động trao đổi, xử lý, giải quyết nên đã cơ bản khắc phục được sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ và kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.