Khu vực Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài. Giữa thời tiết này, người dân cần cảnh giác và có những biện pháp chủ động phòng tránh đột quỵ, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM trong những ngày vừa qua là 38ºC. Đây là mức nhiệt cao nhất từ đầu năm đến nay, thường được ghi nhận vào khoảng 13h – 14h.
Ở những đô thị nhộn nhịp như TP.HCM, nắng nóng kết hợp với khí thải từ các phương tiện giao thông, khói bụi của các công trình, hơi nóng mặt đường bốc lên,… khiến cho bầu không khí càng trở nên oi bức và ngột ngạt hơn.
Vào mùa hè, số lượng những ca cấp cứu được ghi nhận tại các cơ sở y tế gia tăng nhiều hơn so với những thời điểm khác, trong đó chiếm một phần không nhỏ là các ca đột quỵ.
Đột quỵ hoặc tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Chứng bệnh này là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới khi trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.
Thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng đến cơ chế điều hoà thân nhiệt khiến thân nhiệt tăng cao; cơ thể mất nước; hoạt động của hệ tim mạch, hệ tuần hoàn máu và hô hấp bị rối loạn. Điều này có thể gây thiếu hụt lưu lượng máu lên não dẫn đến đột quỵ.
Bất cứ ai cũng có nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là những người cao tuổi, người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá,… Ngoài ra, người đang ở ngoài trời nắng nóng đi vào phòng lạnh đột ngột hoặc ngược lại cũng có nguy cơ đột quỵ khi sự chênh lệch nhiệt độ khiến cho huyết áp tăng cao vì mạch máu bị co lại đột ngột.
Triệu chứng điển hình nhất của đột quỵ do nắng nóng là nhiệt độ cơ thể tăng cao, có khi lên đến 40ºC, kèm theo ngất xỉu. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như: đau nhức đầu; choáng váng, hoa mắt; da đỏ, khô, nóng hừng; không đổ mồ hôi mặc dù cơ thể đang rất nóng; chuột rút; tê người; buồn nôn và nôn; tim đập nhanh; thở nông; những thay đổi về hành vi như rối loạn tâm thần, mất phương hướng; phát cơn co giật, động kinh; ngất xỉu, bất tỉnh.
Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian chính là yếu tố quyết định sự sống và mức độ di chứng hậu đột quỵ cho người bệnh. Vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ, liên hệ ngay cấp cứu theo số điện thoại 1 và cung cấp đầy đủ tình trạng, dấu hiệu của người bệnh. Nếu có thể, cung cấp thêm thông tin về thời gian những dấu hiệu đột quỵ này khởi phát. Trong tình huống cấp bách, có thể tự di chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong thời gian chờ đợi lực lượng cấp cứu hỗ trợ, các hoạt động sơ cấp cứu dưới đây có thể được thực hiện:
- Nhẹ nhàng đưa người bệnh vào nơi có bóng râm thoáng mát, thông thoáng. Cởi bỏ bớt quần áo và nới rộng cổ áo, cà vạt, khăn choàng, thắt lưng nếu có.
- Tuyệt đối không cho người bệnh ăn bất cứ loại thức ăn nào. Nếu nạn nhân uống được, cho nạn nhân uống nước mát chậm rãi theo từng ngụm nhỏ.
- Khi nhiệt độ cơ thể nạn nhân quá cao: Dùng quạt để làm mát, áp khăn thấm ướt lên người nạn nhân. Chườm nước đá vào những vị trí có nhiều mạch máu gần với da như bẹn, nách để nhanh chóng làm giảm thân nhiệt.
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo: Hỗ trợ bệnh nhân nằm cao đầu khoảng 40 độ, nằm nghiêng sang một bên để tránh nôn mửa làm sặc đường hô hấp gây ngạt thở. Bên cạnh đó, hãy trò chuyện để trấn an tinh thần và giữ sự tỉnh táo cho bệnh nhân trước khi xe cứu thương đến.
- Nếu bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê, ngất xỉu cần kiểm tra nhịp thở hoặc bắt mạch ở cổ. Nếu thở yếu hoặc ngừng thở, thực hiện thao tác hô hấp nhân tạo hoặc xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi có khả năng.
- Trong suốt quá trình sơ cấp cứu, cần theo dõi người bệnh sát sao để phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường.
Trong thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, mỗi chúng ta cần nhận thức được nguy cơ đột quỵ có thể xảy đến với bất kỳ ai, tại bất cứ thời điểm nào để có những biện pháp chủ động phòng ngừa cho bản thân và gia đình mình.
Người cao tuổi và người có bệnh lý mãn tính nên hạn chế đi lại, làm việc ngoài trời vào thời điểm nắng gắt, nhất là giờ cao điểm từ 11h – 14h. Với người mắc bệnh tim mạch, nên dùng máy điều hòa để làm mát với mức chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng không vượt quá 7ºC. Hoạt động thể dục thể thao cũng nên diễn ra vào sáng sớm hoặc chiều tà, khi thời tiết mát mẻ hơn.
Khi ra ngoài trời nắng, nên chọn quần áo nhẹ, thoáng mát màu sáng kết hợp với kính râm, áo khoác, nón mũ rộng vành; thường xuyên bổ sung nước và vitamin cho cơ thể; không nên đột ngột di chuyển từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
Rượu bia, cà phê, thuốc lá cũng nên được hạn chế trong mùa nắng nóng cao điểm này, bởi thành phần cồn và caffein khiến cho cơ thể bị mất nước nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.