TP Hồ Chí Minh, Bình Dương nỗ lực điều trị cho các ca mắc COVID-19

Tuấn Phong| 23/07/2021 08:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tối 22/7/2021, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thng báo điều chỉnh kế hoạch thu dung, điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 theo hệ thống 5 tầng điều trị.

Theo đó, tại tầng 1, các cơ sở sẽ chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân không có triệu chứng, không có bệnh nền, chưa được điều trị ổn định, không béo phì, được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện. Các cơ sở có nhiệm vụ sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú theo quy định; chăm sóc và điều trị ban đầu các ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ; xử lý cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến, tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% số ca mắc COVID-19.

 Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu TP Hồ Chí Minh có 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 cần 25.000 giường, 80.000 bệnh nhân sẽ cần 40.000 giường; 100.000 bệnh nhân sẽ cần 50.000 giường.

1(1).jpg

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 tầng 2 sẽ tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 mới được phát hiện trong cộng đồng. Các bệnh viện này có nhiệm vụ điều trị ca mắc COVID-19 có triệu chứng, có bệnh lý nền kèm theo; xử lý cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến, tầng 2 thu dung khoảng 27% số ca mắc COVID-19. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu thành phố có 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ cần 13.500 giường, 80.000 bệnh nhân cần 21.600 giường và 100.000 bệnh nhân cần 27.000 giường.

Tầng 3 bao gồm các bệnh viện đa khoa hạng 2, được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức cơ bản, có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Bên cạnh đó, những bệnh viện này sẽ hồi sức cấp cứu cho một số trường hợp chuyển biến nặng và xử lý cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 3 sẽ thu dung khoảng 10% số ca mắc COVID-19. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu thành phố có 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ cần 5.000 giường, 80.000 bệnh nhân sẽ cần 8.000 giường và 100.000 bệnh nhân cần 10.000 giường.

Tiếp đó, tầng 4 gồm những bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 và một số bệnh viện hạng 2 nhưng phát triển chuyên khoa mạnh, được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị ca mắc COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng, cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Để thực hiện chức năng này, ngoài việc thêm các trang thiết bị như tầng 3, các bệnh viện này được bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục. Bệnh viện điều trị các ca mắc COVID-19 có bệnh lý đi kèm nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) đối với các trường hợp này. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% số ca mắc COVID-19. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu thành phố có 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ cần 4.000 giường, 80.000 bệnh nhân cần 6.400 giường và 100.000 bệnh nhân cần 8.000 giường.

Cuối cùng, tầng 5 bao gồm các bệnh viện hồi sức COVID-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các ca nguy kịch. Các bệnh viện này phải bảo đảm đầy đủ số thuốc cho điều trị các ca mắc COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% số bệnh nhân mắc COVID-19. Theo phân bổ số giường điều trị tương ứng với các kịch bản, nếu thành phố có 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ cần 2.500 giường, 80.000 bệnh nhân cần 4.000 giường và 100.000 bệnh nhân cần 5.000 giường.

* Tối 22/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 22/7, toàn tỉnh ghi nhận 679 ca mắc COVID-19, giảm hơn so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, riêng thành phố Dĩ An ghi nhận 237 ca - là địa phương có số ca tăng cao kỷ lục.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, 4 “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao) đều thuộc phía Nam của tỉnh, bao gồm: Thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Đây là vùng giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, tập trung đông người lao động, nhiều khu nhà trọ công nhân. Do đó, ngành Y tế địa đang dồn toàn lực, khẩn trương “bóc tách” hết ca F0 ra khỏi "vùng đỏ" để dần dần làm sạch, kiểm soát, khoanh vùng an toàn đối với những khu vực dân cư đã qua sàng lọc, xét nghiệm trên tinh thần "làm đến đâu chắc đến đó"; tăng "vùng vàng", sau đó chuyển về "vùng xanh" an toàn.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập thêm Bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trường Đại học Việt Đức, thị xã Bến Cát với quy mô 1.500 giường, dự kiến được đưa vào vận hành trong tháng 7 này. Đây là Bệnh viện dã chiến thứ 3 để phục vụ việc điều trị, thu dung các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 tại thành phố Thủ Dầu Một có quy mô 1.500 giường do Tổng Công ty Becmaex hỗ trợ và Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B do Quân đội hỗ trợ có quy mô 500 giường, kịp thời đưa vào sử dụng, phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh đã phê duyệt thành lập Trung tâm cấp cứu hồi sức tích cực điều trị các bệnh nhân nặng tại cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ngành Y tế tỉnh cũng làm việc với 3 công ty cung ứng oxy y tế nhằm đáp ứng công tác điều trị tại các cơ sở y tế, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân và dự phòng điều trị khi số ca bệnh tăng lên.

Đến nay, Bình Dương đã ghi nhận 5.414 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.374 ca phát hiện trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh, Bình Dương nỗ lực điều trị cho các ca mắc COVID-19