Vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM có Văn bản số 374 /TB-VP ngày 12/4/20 thông báo kết luận Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về việc đề nghị lập bia tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Văn bản nêu rõ: Ngày 08/4/20, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị lập Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ BĐSG trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố.
Tham dự buổi họp có lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM, Sở LĐTBXH, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT), Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến TPHCM và CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Sau khi nghe Sở LĐTB&XH báo cáo đề xuất và ý kiến của các đơn vị dự họp, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức kết luận như sau:
TPHCM là địa phương có truyền thống cách mạng hào hùng, luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân công ơn to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác giáo dục thế hệ trẻ về phẩm chất đạo đức cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, xem đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao đẹp, thể hiện truyền thống nghĩa tình của Thành phố.
Đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, TPHCM đã chỉ đạo triển khai xây dựng 5 công trình tưởng niệm. Trong đó có 03 công trình xây dựng Bia, Đài tưởng niệm đã hoàn thành tại các địa điểm: Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ và Dinh Độc lập; 02 công trình đang trong quá trình thực hiện: Công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và công trình tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn.
Ngoài ra, TPHCM đang triển khai xây dựng Khu tưởng niệm chiến dịch Mậu Thân với quy mô hơn 2 ha tại huyện Bình Chánh, nhằm trân trọng ghi nhận, tưởng niệm công lao to lớn của các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
BĐSG là lực lượng đặc biệt, cần có hình thức đặc biệt để ghi nhận công lao đóng góp của lực lượng này và đồng thời để giáo dục về truyền thống và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, là một bài học mà tất cả người dân Thành phố không được quên về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và xương máu trong cuộc đấu tranh giành Độc lập. TPHCM rất trân trọng đề xuất của CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định về việc xây dựng Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ BĐSG trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các nội dung:
Thứ nhất, Sở VHTT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và tưởng niệm các Liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn; báo cáo định kỳ (vào ngày 25 hằng tháng) tình hình thực hiện cho UBND TPHCM.
Thứ hai, Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Sở VHTT và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc xây dựng Bia tưởng niệm (về hình thức, thiết kế, diện tích, vị trí đặt Bia...) đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, trình UBND TPHCM trong tháng 4/20 để báo cáo Ban cán sự đảng UBND TPHCM.
Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị, lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, mặt trận, đoàn thể cùng tham gia chiến đấu để giành chiến thắng và hòa bình cho đất nước cũng cần được ghi nhận; đề nghị Sở LĐTB&XH chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho UBND TPHCM hình thức tưởng niệm, ghi nhận phù hợp.
Thứ ba, UBND Quận 1 thường xuyên kiểm tra, tu bổ Đài tưởng niệm Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn, Bia tưởng niệm chiến sĩ BĐSG hy sinh tại Tòa Đại sứ Mỹ và Bia tưởng niệm chiến sĩ BĐSG hy sinh tại Dinh Độc lập, đảm bảo trang nghiêm, sạch đẹp.
Thứ tư, các Bia tưởng niệm, Đài tưởng niệm phải là nơi mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận, như vậy mới tăng tính giáo dục về truyền thống và lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đối với 2 địa điểm hiện nay còn tiếp cận khó khăn là Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM và Đại sứ quán Mỹ, đề nghị cơ quan được giao quản lý 2 công trình này có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho người thân, đồng đội đến thăm viếng mọi lúc (như cấp thẻ, giấy xác nhận...).
Đại tá Trần Đức Thơ – Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định bày tỏ sự phấn khởi trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TPHCM đối với việc lập Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ BĐSG để các cấp lãnh đạo, người dân TPHCM và thân nhân gia đình liệt sĩ đến dâng hương tưởng niệm, đặc biệt trong các dịp lễ Tết…