Phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hng ha quá cảnh v việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội kha XIV l 2 nội dung lớn UBTVQH cho ý kiến trong ngy lm việc đầu tiên, Phiên họp thứ 12.
Giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan
Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 12, chiều 11/7, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Tham dự Phiên họp có các thành viên UBTVQH; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải Quan…
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày “Báo cáo tóm tắt về việc xem xét và cho ý kiến đối với việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh”. Nội dung chính của Nghị định thư 7 gồm 12 Điều và 02 Phụ lục về hàng hóa cấm/ hạn chế quá cảnh và Phụ lục kỹ thuật. Đây là các cam kết, quy định cải cách về mặt phương thức và hình thức quản lý đối với các giao dịch quá cảnh, trong đó tập trung vào các yếu tố như: cơ chế bảo lãnh cho nợ thuế phát sinh trong các giao dịch quá cảnh, hệ thống thông tin quốc gia được điện tử hóa để kết nối và trao đổi dữ liệu vận chuyển quá cảnh giữa các nước thành viên, áp dụng quản lý rủi ro để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật được đơn giản hóa về quy trình thủ tục.
Thay mặt UBTVQH, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày “Báo cáo thẩm tra việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh”. Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Hiệp định Nghị định thư 7 là một trong 9 Nghị định thư nằm trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước ASEAN ký ngày 16/12/1998 tại Hà Nội với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Mậu dịch tự do ASEAN và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.
Nghị định thư 7 đã được tất cả 10 nước ASEAN ký và đến nay có 5 nước ASEAN đã hoàn thành thủ tục phê duyệt. Việc phê duyệt Nghị định thư 7 đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần tích cực xây dựng và phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Tại Phiên họp, các thành viên của UBTVQH đã xem xét, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê duyệt Nghị định thư 7; tính hợp hiến và mức độ phù hợp giữa Nghị định thư 7 với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Nghị định thư 7; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: về cơ bản, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Nghị định thư 7 và đồng ý giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính phủ chủ động xác định thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 cho phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nước ASEAN khác và đảm bảo lợi ích quốc gia.
UBTVQH nhất trí không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với kiến nghị ban hành Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH cho ý kiến theo quy định tại Điều 95 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Trước đó sáng 11/7, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Thay mặt UBTVQH, Ủy viên UBTVQH, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, kỳ họp thứ 3 đã hoàn thành tốt khối lượng công việc theo chương trình. Các nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp đã giải quyết tương đối triệt để nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc trình bày Dự thảo Báo cáo
Kết quả kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần làm việc tận tụy, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế; sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thành công của kỳ họp tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới, cải tiến không ngừng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên cơ sở lấy lợi ích của cử tri và nhân dân làm mục tiêu, phương châm hành động.
Tiếp đó, trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp thứ 4, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 23 ngày, từ 23/10-22/11 để xem xét, thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật và xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Thảo luận, xem xét, cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cho rằng, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, cử tri cả nước về cơ bản đều ghi nhận, đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới, hiệu quả, dân chủ và trách nhiệm.
Các thành viên UBTVQH cho rằng, trong thảo luận tổ, hội trường, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực, bảo đảm tính dân chủ, khách quan, tạo điều kiện để nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, nâng cao chất lượng thảo luận, nhất là việc kịp thời tăng thời gian phiên họp của một số nội dung cần thiết đã đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội. Việc tăng cường tranh luận của đại biểu Quốc hội tiếp tục là điểm nhấn của kỳ họp, tạo không khí sôi nổi, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch thể hiện sự nghiêm túc, sát sao nhưng cũng hết sức linh hoạt, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận, đi đến cùng vấn đề. Các thành viên Chính phủ giải trình cặn kẽ, làm rõ vấn đề đại biểu nêu lên. Trong đó, điều hành phiên chất vấn rõ ràng, có chiều sâu, kết luận từng nhóm vấn đề chất vấn ngắn gọn, đầy đủ, khách quan, thuận lợi cho việc ban hành Nghị quyết và được đánh giá cao.
Công tác tuyên truyền về kỳ họp được thực hiện tốt, có nhiều đổi mới, vừa tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin, vừa bảo đảm nội quy, trật tự trong khu vực hội họp.
Các phiên thảo luận ở tổ, hội trường được phản ánh khá toàn diện. Các phiên họp được truyền hình trực tiếp đã góp phần tích cực đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân hơn, tạo điều kiện để cử tri theo dõi.
Tuy nhiên, một số thành viên UBTVQH cũng cho rằng, việc trình bày một số tờ trình, báo cáo còn vượt quá thời gian quy định. Việc chấp hành nội quy kỳ họp còn chưa cao, một số đại biểu còn vắng mặt tại các phiên họp, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng các báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo thẩm tra, bảo đảm thuyết phục hơn, nêu rõ quan điểm, chính kiến để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.
Từ những kết quả đã đạt được, cùng những hạn chế, tồn tại nêu trên, qua thảo luận, các thành viên UBTVQH đề nghị cần tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Đối với việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các thành viên UBTVQH đề nghị cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hữu quan trong việc sớm chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, bảo đảm chất lượng, tiến độ và gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung, nhất là phát huy nhiều hơn nữa tính đối thoại, tranh luận. Có các biện pháp để hạn chế việc bổ sung nội dung vào sát phiên khai mạc hoặc sau khi Quốc hội thông qua chương trình kỳ họp.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, qua thảo luận, cơ bản các ý kiến UBTVQH đều nhất trí đánh giá kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình kỳ họp đã cụ thể hóa đúng chủ trương, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ biểu quyết cao, với trên 80% đại biểu Quốc hội tán thành. Số lượng đăng ký phát biểu ý kiến ngày càng tăng, trong đó có nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội. Việc thảo luận, tranh luận diễn ra sôi nổi với thái độ trách nhiệm, số lượt tranh luận tăng; được sự đồng thuận lớn của các đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân cả nước.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày làm việc, trong đó lựa chọn các vấn đề cụ thể, tránh dàn trải; xem xét, cải tiến quy trình thu, phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác báo chí để bảo đảm việc truyền tải thông tin kịp thời, trung thực, khách quan.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH để hoàn thiện các báo cáo, tờ trình; đề nghị Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi các nội dung qua các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ánh lại với UBTVQH nhằm hoàn thiện chương trình của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây.