Các cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đấu tranh với hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước và trốn thuế trên địa bàn.
Cụ thể, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp nắm tình hình, nỗ lực điều tra làm rõ các vụ án, chuyên án, bắt giữ các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động kinh tế, kinh doanh đến các cơ sở, chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế và kê khai thuế tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn chấn chỉnh các vi phạm, không để xảy ra phức tạp gây mất an ninh trật tự.
Từ đầu năm 20 đến nay, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 10 vụ, 100 bị can phạm tội về mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế. Điển hình, ngày 31/7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Văn Trường, sinh năm 1976 (là Giám đốc Công ty TNHH Minh Thuyết TH có địa chỉ tại thị trấn Thiệu Hóa) và Lê Thị Thắm, sinh năm 1980, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa (là kế toán Công ty TNHH Minh Thuyết TH) về hành vi trốn thuế.
Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2022, lợi dụng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) khác nhau giữa việc xuất bán hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu cho cá nhân (thuế GTGT 5%) và xuất bán hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu cho doanh nghiệp (thuế GTGT 0%).
Lê Văn Trường với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Minh Thuyết TH đã sử dụng pháp nhân 4 công ty do Trường thành lập gồm: Công ty TNHH dịch vụ thương mại Trường Vinh; Công ty TNHH Minh Thuyết TH; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tây Vinh và Công ty TNHH dịch vụ thương mại Sơn Vinh và chỉ đạo Lê Thị Thắm là kế toán công ty, xuất khống hóa đơn từ khách hàng cá nhân sang khách hàng doanh nghiệp để trốn thuế GTGT, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 18/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Đức Dũng, sinh năm 1982, ở phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, là Giám đốc Công ty Cổ phần TM&DV Đức Đạt về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn” và “trốn thuế”; khởi tố bị can đối với Đặng Văn Súy, sinh năm 1973, ở xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”.
Qua công tác điều tra, nắm tình hình trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh các loại khoáng sản trên địa bàn, Công an thị xã Bỉm Sơn đã phát hiện Công ty Cổ phần TM&DV Đức Đạt đóng trên địa bàn phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn) do Tô Đức Dũng làm giám đốc đứng tên mua đất giàu sắt trôi nổi trên thị trường nhưng lại sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có địa chỉ tại tỉnh Hải Dương và tỉnh Nam Định để kê khai khấu trừ thuế GTGT, có biểu hiện của việc trốn thuế nên đã tiến hành điều tra, xác minh làm rõ.
Theo quy định về thuế, sau khi xuất bán hàng hóa thuộc diện chịu thuế GTGT thì Công ty Cổ phần TM&DV Đức Đạt phải kê khai và nộp tiền thuế GTGT tương ứng với 10% giá trị hàng trước thuế ghi trên hóa đơn đã xuất cho một số doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, để giảm trừ một phần số tiền thuế phải nộp nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, Tô Đức Dũng đã liên hệ với Đặng Văn Súy ở xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định và một số đối tượng khác mua khống hóa đơn GTGT đầu vào để cân đối kê khai thuế nhằm làm giảm số tiền thuế GTGT mà Công ty Cổ phần TM&DV Đức Đạt phải nộp gây thiệt hại cho thu nộp ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện hành vi trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, từ năm 2019 đến năm 2022, Tô Đức Dũng đã mua trái phép 35 hóa đơn thuế GTGT của 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Nam Định, gồm các mặt hàng: đất giàu sắt, than, cước vận chuyển... với tổng số tiền hàng trên hóa đơn bao gồm thuế GTGT là hơn 12,5 tỷ đồng nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
Để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước và trốn thuế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện.
Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra sau cấp phép, rà soát việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên xuất hóa đơn nhưng báo lỗ. Cùng với đó, tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định pháp luật.