Báo cáo trước UBTVQH chiều 14-10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, c 67 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý, CQĐT đã khởi tố hơn 180 vụ án với trên 300 bị can thuộc các nhm tội tham nhũng...
Phiên họp thứ 3 của UBTVQH
Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2011, công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân và dư luận quốc tế. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, tăng cường lực lượng, dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, thiệt hại do tham nhũng gây ra tính từ tháng 8-2010 đến hết tháng 7-2011 lên tới 11.400 tỷ đồng, trong đó tội tham ô chiếm 50% số vụ và 45% số bị can; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản trên % số vụ và 13% bị can… Thu nộp ngân sách nhà nước trên 300 tỷ đồng từ xử lý các vụ án tham nhũng.
67 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực phạm vi quản lý, trong đó 14 người bị cách chức, cảnh cáo 16 người… Cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 180 vụ án với trên 300 bị can thuộc các nhóm tội tham nhũng.
Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, nhiều vấn đề tại báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cũng khiến UBTVQH băn khoăn, nhất là với con số thất thoát do tham nhũng lên tới 11.400 tỷ đồng nhưng chỉ mới thu hồi nộp ngân sách được hơn 300 tỷ (2,6%).
Theo Tổng thanh tra, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Việc kê khai tài sản có tiến bộ, bắt đầu đi vào nề nếp; công khai minh bạch tài sản cũng dần đi vào thực chất, khắc phục bệnh hình thức trước đây.
13 Bộ, ngành Trung ương và 11 địa phương đã hoàn thành toàn bộ việc kê khai tài sản năm 2010. Một số người đứng đầu các cơ quan nhà nước bị phê bình, xử lý do vi phạm quy định hoặc chậm tổ chức kê khai.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã tích cực chỉ đạo các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đẩy nhanh tiến độ các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, song công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.
Một số vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra, một số vụ việc vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân vì tính nghiêm minh của pháp luật.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều hạn chế đã được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra những năm trước vẫn chưa được khắc phục. Báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ cơ quan nào làm tốt hay chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng, cũng chưa làm rõ được là tham nhũng tăng hay giảm. Một số cán bộ, công chức vẫn nhũng nhiễu để nhận tiền, tố cáo tham nhũng vẫn là việc nguy hiểm, trong khi đó chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát thu nhập và kiểm soát tài sản bất minh khi người kê khai không chứng minh được, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Báo cáo thẩm tra cũng băn khoăn khi căn cứ vào con số tại cơ quan chức năng thì các loại tội phạm đều tăng nhưng tội phạm tham nhũng giảm, số vụ phát hiện xử lý cũng giảm. Nội bộ các cơ quan tổ chức không phát hiện được trường hợp tham nhũng nào.
Thực tế, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm. Nhiều đại biểu nhận định, một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng còn lúng túng trong hoạt động. Nhiều tỉnh đã đề nghị nên nghiên cứu để Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.
Theo Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, có đến khoảng 50% số địa phương mà TTCP đến làm việc đã đưa ra kiến nghị đó. Vì Bí thư Tỉnh ủy hay Chủ tịch HĐND thì sẽ tách hẳn với cơ quan quản lý, điều hành. Ông Tranh cũng cho biết đã xin ý kiến Chủ tịch nước, và Chủ tịch nói báo cáo Thường vụ Quốc hội, nếu đồng ý thì làm thí điểm tại một số tỉnh có điều kiện để có cơ sở tổng kết, xem xét sửa luật.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số ý kiến khác cho rằng, cơ sở cho kiến nghị thay đổi này chưa được làm rõ tại báo cáo của Chính phủ, và nếu thí điểm thì cần phải có đề án rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, phòng chống tham nhũng là vấn đề rất phức tạp, rất khó khăn, nhưng báo cáo cứ đều đều. Chủ tịch đề nghị phân tích làm rõ hơn các nguyên nhân của những hạn chế trong công tác này để đặt ra một lộ trình cụ thể giải quyết các tồn tại đó.
L.Phương (tổng hợp)