Với khẩu hiệu “Sáng tri thức - Vững công minh”, Trường Đại học Luật TP. HCM xác định mục tiêu phát triển thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, hiện đại; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học, nhất là khoa học pháp lý; có quan hệ quốc tế rộng rãi; giữ vai trò nòng cốt, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo khác, đặc biệt là các cơ sở đào tạo Luật ở các tỉnh phía Nam.
Sáng 30/3/20, Trường Đại học Luật TP. HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 48 năm truyền thống và đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục (chu kỳ 2), tham dự buổi lễ có sự tham dự đông đảo của các cựu giáo chức, cán bộ, giảng viên và sinh viên, cựu sinh viên của Nhà trường và đại diện các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, cơ quan báo chí.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp.HCM: Trường Đại học Luật TP.HCM phát triển dựa trên 4 yếu tố cơ bản: (i) Chiến lược phát triển đúng đắn; (ii) Các nguồn lực đảm bảo triển khai thực hiện chiến lược; (iii) Hệ thống quản trị tốt và (iv) Tình cảm và lòng tự hào về truyền thống ngôi trường.
Do đó, việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, khơi dậy và lan tỏa trong các thế hệ viên chức, người lao động và người học lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Nhà trường chính là 1 trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển của trường hiện nay và trong tương lai.
Trong đó, chất lượng đào tạo chính là giá trị cốt lõi tạo nên uy tín và thương hiệu của Trường Đại học Luật TP.HCM, vì vậy, để giữ gìn và phát huy truyền thống thì một trong những việc phải làm là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Mỗi thành viên là một mảnh ghép trong lịch sử của ngôi trường, vì vậy, ngày truyền thông là dịp để các viên chức, người lao động, người học kết nối, hội ngộ, tự hào và cùng nhau suy nghĩ, hành động vì sự phát triển chung của trường.
Xuất phát điểm là Trường Cán bộ Tư pháp Trung ương đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 đến khi chính thức mang tên Trường Đại học Luật TP. HCM vào năm 1996.
Ở những giai đoạn đầu, Trường chỉ đào tạo ngành Luật, với đội ngũ cán bộ giảng viên rất khiêm tốn và cơ sở vật chất còn hạn chế. Hiện nay, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh là trường đào tạo đa ngành, có đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, có chức danh và học vị cao, với hai cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động, cơ sở thứ ba tại TP. Thủ Đức và Phân hiệu tại Nha Trang cũng đang trong quá trình triển khai, hoàn thành.
Nhà trường có 8 khoa chuyên ngành, 5 ngành đào tạo trình độ đại học, 05 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ và nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.
Theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước và chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra định hướng phát triển của Nhà trường: “Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 xây dựng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường đại học đa lĩnh vực theo định hướng nghiên cứu, là trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; là trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của cả nước; tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật và phản biện chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại, từng bước tiếp cận nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới; giữ vai trò đầu tàu, có vai trò dẫn dắt các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam trong công tác đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật”.
Tại buổi lễ, bên cạnh ôn lại truyền thống quý báu, Nhà trường còn tổng kết qua trình 20 năm đào tạo trình độ tiến sĩ.
ULAW bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2004, hiện nay đang triển khai đào tạo bậc tiến sĩ ở 5 ngành (Luật kinh tế; Luật dân sự và tố tụng dân sự; Luật Hiến pháp và luật hành chính; Luật hình sự và tố tụng hình sự; Luật quốc tế).
Qua 20 năm đào tạo đã có 84 nghiên cứu sinh được cấp bằng và đa phần là lực lượng chủ chốt đang công tác giảng dạy, hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học, các Viện nghiên cứu về khoa học pháp lý cũng như đội ngũ cán bộ chủ lực trong các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp.
Dịp này Nhà trường cũng công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban Chủ nhiệm 02 Câu lạc bộ, gồm Câu lạc bộ hưu trí và Câu lạc bộ Cựu nghiên cứu sinh nhằm tạo cầu nối, môi trường cho các cựu giáo chức và cựu nghiên cứu sinh gắn kết và đóng góp vào việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo của Nhà trường.