Đời sống

TT-Huế: Dâng hoa nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngọc Minh 20/05/2023 - 06:50

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), ngày 19/5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh TT-Huế và TP.Huế long trọng tổ chức lễ dâng hoa lên Người tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh TT-Huế.

Dự lễ dâng hoa có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến; Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; cùng các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo TP. Huế và lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành của tỉnh…

2023_05_19baotang.jpeg
Các đại biểu dành một phút mặc niệm để nhớ đến công lao của chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước tượng Bác Hồ kính yêu, các đồng chí lãnh đạo tỉnh TT-Huế đã dâng hoa và dành một phút mặc niệm để nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình ấm no cho thế hệ hôm nay. 

Thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Người, trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh TT-Huế đã ra sức học tập và làm theo tấm gương của Bác, đoàn kết vượt qua những khó khăn, kiên định và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng phù hợp với điều kiện của địa phương và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Ngay sau lễ dâng hoa, các đại biểu đã cùng tham dự khai mạc triển lãm “Nhật ký trong tù – bảo vật quốc gia” được tổ chức ngay tại không gian của Bảo tàng.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 180 tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày với 3 chủ đề: Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù - Bảo vật Quốc gia, Nhật ký trong tù - Lan tỏa những giá trị tư tưởng, nhân văn.

2023_05_19baotang1.jpeg
Lễ khai mạc triển lãm “Nhật ký trong tù – bảo vật quốc gia” được tổ chức ngay tại không gian của Bảo tàng

Trong đó, tập trung vào chân dung tác giả - Hồ Chí Minh, nguồn gốc ra đời của tác phẩm, bản chụp bút tích 53 trang - 133 bài thơ và các trang ghi chép trong Nhật ký trong tù. Đặc biệt trong 80 năm sau khi ra đời, tác phẩm Nhật ký trong tù luôn là nguồn cảm hứng không chỉ của những nhà nghiên cứu, mà còn của những nghệ sỹ Việt Nam và thế giới, trong đó có nghệ thuật thư pháp.

Ra đời cách đây 80 năm (1943-2023), tác phẩm Nhật ký trong tù ẩn chứa tầm vóc trí tuệ, văn hóa của một con người vĩ đại, với khát vọng cao đẹp “Độc lập cho dân tộc và tự do cho con người”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã để lại một kho tàng thơ văn vô giá, bao gồm các tác phẩm chính luận, báo chí, văn chương, thi ca... Trong đó có 5 tác phẩm đã được Nhà nước công nhận Bảo vật Quốc gia đó là: Đường Kách mệnh; Nhật ký trong tù; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di Chúc của Người.

Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong những ngày Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 khi Người đi công tác sang Trung Quốc.

2023_05_19baotang2.jpeg
Tham quan không gian triển lãm “Nhật ký trong tù – bảo vật quốc gia” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Đây là một văn kiện lịch sử quan trọng đồng thời là một tác phẩm văn học lớn thể hiện tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kho tàng về biết bao khía cạnh của cuộc đời, con người và nghệ thuật mà sự phong phú còn cần được tiếp tục nghiên cứu”.

Tác phẩm lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi năm 1960, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Không chỉ được phổ biến sâu rộng ở trong nước, mà còn được đánh giá cao và được bạn bè quốc tế đón nhận, được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Bồ Đào Nha, Đức, Hàn Quốc, Myanmar, Nga, Nhật Bản, Pháp, Romania, Séc, Trung Quốc, Tây Ban Nha….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TT-Huế: Dâng hoa nhân kỷ niệm 133 năm Ngy sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh