Trước sự thay đổi hành vi thuê bất động sản của khách hàng, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cần chủ động chuyển mình, linh hoạt, nắm bắt xu hướng hiện tại và tương lai.
Theo khảo sát Global Occupier Markets Spotlight 2025 của Savills, hơn 80% khách thuê tại 54 thị trường trọng điểm cho biết họ đang trì hoãn quyết định thuê bất động sản công nghiệp do lo ngại rủi ro chính trị và kinh tế. Những doanh nghiệp ký hợp đồng thuê trong giai đoạn này có xu hướng ưu tiên các lựa chọn linh hoạt về thời gian, điều khoản mở rộng, và quyền chấm dứt sớm.
Sự chuyển dịch này xuất phát từ nhiều yếu tố mang tính hệ thống, bao gồm thay đổi chính sách thuế quan, gia tăng về căng thẳng thương mại, biến động tiền tệ và các rủi ro khác như tấn công mạng vào hạ tầng logistics hay thiên tai cực đoan gây gián đoạn giao thông vận tải.
Không chỉ dừng lại ở quyết định thuê, nhiều doanh nghiệp đang trì hoãn kế hoạch đầu tư vốn. Đặc biệt tại Châu Á – Thái Bình Dương, nghiên cứu của Savills cho thấy 40% khách thuê tại khu vực này đã tạm ngừng hoặc điều chỉnh các dự án đầu tư vào bất động sản công nghiệp do các yếu tố bất ổn về địa chính trị. Điều này phần nào đã thể hiện thực tế quyết định thuê và đầu tư ngày càng gắn liền với chiến lược ứng phó rủi ro toàn diện.
Trước những thay đổi này, thị trường toàn cầu ghi nhận xu hướng rõ nét là việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mô hình chiến lược chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện về chính trị và kinh tế (“friend-shoring”) đang được các tập đoàn lớn triển khai nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và tăng khả năng kiểm soát rủi ro thương mại.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn. Với sự ổn định về chính trị, vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, chi phí lao động cạnh tranh, sự hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cam kết cải thiện hạ tầng, Việt Nam đang đáp ứng phần lớn các tiêu chí của thế hệ khách thuê công nghiệp mới.
Thị trường Việt Nam đang ghi nhận những chuyển dịch rõ nét và tương đồng với xu thế của thế giới về nhu cầu thuê, bằng chứng là việc khách thuê đang ưu tiên các yếu tố linh hoạt, tiết kiệm và bền vững.
Chiến lược như “friend-shoring” được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gia tăng nhu cầu đối với các không gian công nghiệp hiện đại. Xu hướng này cũng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển chuỗi cung ứng nội địa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đổi mới trong toàn ngành.
Để đáp ứng yêu cầu của thế hệ khách thuê mới, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam cần chủ động chuyển mình. Các nhà phát triển cần chủ động đầu tư vào hạ tầng thông minh, các khu công nghiệp tích hợp ESG, mô hình xây sẵn linh hoạt và hợp đồng thuê thích ứng với nhu cầu mới. Chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chuyển đổi xanh và đảm bảo tính kết nối liên vùng trong đầu tư hạ tầng.
Trong bối cảnh thế giới đầy bất định, những quốc gia nào biết nắm bắt xu hướng sớm, xây dựng năng lực nội tại mạnh và giữ được tính linh hoạt sẽ trở thành điểm đến được ưu tiên. Việt Nam đang có lợi thế nhưng để chuyển hóa lợi thế thành thành quả bền vững, cần một chiến lược nhất quán và sự phối hợp giữa khu vực công và tư.