Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa c báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện hỗ trợ nhân dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thủy hải sản chết hng loạt.
Theo đó, thực hiện Chương trình phối hợp ngày 19/5/2016 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam về phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt, từ ngày 23 đến 29/6/2016, 4 đoàn giám sát của Trung ương đã tiến hành giám sát tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh; Quảng Bình; Quảng Trị; Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo của các đoàn giám sát, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại kịp thời, đúng đối tượng, có 40.043 hộ dân được hỗ trợ hơn 4.309 tấn gạo; hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thác đã được hỗ trợ tổng số tiền là 53 tỷ đồng... Ngoài chính sách của Chính phủ, một số tỉnh thực hiện thêm chính sách hỗ trợ của địa phương; riêng việc hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm.
Bên cạnh đó, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm hỗ trợ tiền, hiện vật qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trị giá hơn 45 tỷ đồng và 149 tấn gạo; đến nay, đã thực hiện hỗ trợ cho nhân dân hơn 42 tỷ đồng và 149 tấn gạo.
Tuy nhiên, tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh có trường hợp nuôi trồng ngao, cua trên cùng bãi bồi ven biển (cùng nguồn nước) nhưng có hộ thì được hỗ trợ, có hộ không được hỗ trợ là do cơ quan chuyên môn tỉnh và thị xã Kỳ Anh có kết luận nguyên nhân thủy sản chết khác nhau; do đó, gây thắc mắc trong các hộ dân. Một số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên đánh bắt ven bờ và vùng lộng phải ngừng hoạt động do thủy hải sản chết hàng loạt (sự cố môi trường) nhưng không được hỗ trợ, vì theo Quyết định 772/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 90 CV trở xuống...
Các đoàn giám sát và 4 tỉnh được giám sát kiến nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản. Cụ thể, các hộ gia đình đóng mới tàu cá; tàu dịch vụ hậu cần (tàu có vỏ mới, máy thuỷ mới hoặc máy thuỷ đã qua sử dụng) phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên được ngân sách hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới, nhưng không quá 1 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/7/2016 đến hết tháng 30/6/2019 và hỗ trợ khi được UBND cấp huyện sở tại xác nhận tàu đã hoàn thành. Mức trần giá trị tàu cá để tính hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ hơn 90CV sang tàu có công suất từ 90CV trở lên, được hỗ trợ 0,7 triệu đồng cho 1CV tăng thêm; thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho các tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên...
Bên cạnh đó, các đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi chính sách khôi phục nuôi trồng thủy sản; bổ sung các chính sách hỗ trợ thu mua, tạm trữ hải sản, khôi phục dịch vụ du lịch biển, chính sách an sinh xã hội: miễn giảm các khoản đóng góp của các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp có con em đang học phổ thông tại trường công lập năm học 2016-2017. Các đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ khi công bố nguyên nhân gây hiện tượng thủy sản chết hàng loạt (sự cố môi trường biển), cần đồng thời công bố vùng ngư trường đánh bắt hải không an toàn (nếu có) để cho người dân yên tâm đánh bắt hải sản và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.