Theo đó, từ 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khai, nộp thuế thay người bán trên các nền tảng này, theo Luật sửa đổi một số điều Luật Quản lý thuế.
Với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua một luật sửa 9 luật liên quan tới lĩnh vực tài chính. Theo đó, từ 1/1/2025, các sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải khai, nộp thuế thay người bán trên các nền tảng này.
Cụ thể, theo quy định vừa được thông qua, sàn thương mại điện tử, nền tảng số (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán trên các nền tảng này.
Trường hợp người bán không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay, họ phải trực tiếp đăng ký, khai và nộp thuế. Hồ sơ, thủ tục, cách thức và trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử, nền tảng số sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số (Facebook, Apple, Tiktok, Goolge...) phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng, hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành.
Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng. Ngoài ra, số thuế do Việt Nam khấu trừ nộp thay nhà cung cấp từ khi vận hành cổng khoảng 4.050 tỷ đồng.
Với sàn thương mại điện tử trong nước, ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó, riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11.
Trước đó, một cuộc họp về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử được Tổng cục Thuế tổ chức tuần qua nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả ba bên gồm người nộp thuế, sàn thương mại điện tử, cơ quan thuế để thực hiện đúng quy định chính sách pháp luật về thuế.
Một kiến nghị đáng lưu ý từ phía các sàn thương mại điện tử đề xuất cơ quan thuế cần xem xét, nghiên cứu và sửa đổi biểu mẫu yêu cầu sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đặc biệt cần đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế để hỗ trợ và tiếp nhận thông tin nhập liệu với dung lượng lớn. Ngoài ra, cũng cần cải tiến cơ chế báo lỗi trong việc kết xuất dữ liệu và truyền tải dữ liệu…
Ghi nhận đề xuất này, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các sàn thương mại điện tử và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đề xuất giải pháp báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế tháo gỡ ngay những vướng mắc thuộc thẩm quyền. Bổ sung kịp thời các giải pháp về công nghệ thông tin để hỗ trợ các sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin theo quy định.
Đồng thời, thành lập ngay tổ công tác hỗ trợ cung cấp thông tin từ các sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp các sàn thương mại điện tử trong việc triển khai chính sách thuế được thuận lợi nhất.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 10 tháng năm 20, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023. Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.
Từ khi chính thức vận hành cổng với tính năng tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử (ngày /12/2022) đã qua 8 kỳ cung cấp thông tin từ quý 4/2022 đến quý 3/20), tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận thấy vẫn còn hiện tượng dữ liệu từ các sàn cung cấp không đầy đủ, thiếu tin cậy, phải rà soát lại mới có thể sử dụng phục vụ cho công tác quản lý thuế.