Văn hóa - Du lịch

Tưng bừng Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa

Duy Anh /09/2023 - 13:59

Tối 23/9/2023, tại thị xã Sa Pa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Chương trình kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đến dự và phát biểu chúc mừng.

Khi về thăm tỉnh Lào Cai năm 1958, Bác Hồ đã căn dặn: Sa Pa có thể thiết kế làm đường lên để thành nơi du lịch, tu nghiệp cho tỉnh nhà và cho cả nước. Thực hiện lời dạy của Bác, đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn nỗ lực phấn đấu để xây dựng Sa Pa thành điểm đến cho du khách trên toàn thế giới.

thh.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa.

Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ khi được Đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, Sa Pa đã ẩn giấu trong mình cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bềnh bồng trong mây; núi thì tuyệt đỉnh, sông thì đầu nguồn và khí hậu trong lành, mát mẻ, mang sắc thái đa dạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, để có được một Sa Pa phát triển như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai nói chung, Sa Pa nói riêng trong nhiều nhiệm kỳ qua đã luôn xác định Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia ngang tầm quốc tế; luôn chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lấy cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa làm động lực; tính thích ứng và sự năng động làm đột phá để vươn lên và hướng đến phát triển bền vững.

Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã và đang có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 45,1%. Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đạt hơn 2,58 triệu lượt khách, bằng 160% so cùng kỳ năm 2022, dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng.

cly-23-6-.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh Sa Pa không chỉ là trọng điểm du lịch của tỉnh mà còn là Khu du lịch quốc gia ngang tầm quốc tế
cly-23-7-.jpg
Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng khách du lịch đến Sa Pa đạt hơn 2,58 triệu lượt khách
cly-23-11-.jpg
Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ khi được Đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, đến nay, Sa Pa đã trở thành điểm đến của du khách toàn thế giới
cly-23-8-.jpg
Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc

Đến với Sa Pa, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện cùng những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc chung sống lâu đời. Sự đa dạng đầy sắc màu của không gian văn hóa của các làng bản, những nếp nhà sàn bình yên ẩn hiện trong sương mờ; những bãi đá cổ huyền bí; những trang phục, điệu múa đặc sắc; tiếng sáo, khèn, đàn môi réo rắt; các lễ hội, những phiên chợ tình và những ngành nghề thủ công truyền thống hay khu ruộng bậc thang được hình thành trong quá trình lao động sản xuất của nông dân uốn lượn trải dài khắp các bản làng Tả Van, Tả Phìn... kéo tận đến chân trời.

Điều đó đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt, bản sắc riêng có của Sa Pa với du khách trong nước và quốc tế. Sa Pa ngày nay không chỉ là một trong bảy Khu du lịch Quốc gia mà đã vươn tầm, được ghi danh trên bản đồ du lịch toàn cầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa; tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ, được đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương phát hiện vào cuối năm 1903, qua bàn tay, khối óc dựng xây đã trở thành điểm du lịch với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bềnh bồng trong mây; núi thì tuyệt đỉnh, sông thì đầu nguồn và tài nguyên khí hậu trong lành, mát mẻ, mang sắc thái đa dạng. Sa Pa đang tiến bước trên hành trình trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước đang và sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực công và huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển không gian văn hóa; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển các tiện ích số nhằm hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch Sa Pa thông minh.

Cùng với hoàn thành dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Cảng Hàng không Sa Pa và các hạ tầng du lịch khác sẽ được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Sa Pa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trong quá trình phát triển du lịch Sa Pa, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lào Cai cần cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hoà và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, bản sắc kiến trúc là cốt lõi; cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực và là người thụ hưởng thành quả từ phát triển.

spppp.jpeg
Kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa tại sân vận động thị xã Sa Pa, tối 23/9/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nguồn nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sa Pa một cách bền vững.

"Chúng ta đã có một "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long được đưa vào sách giáo khoa phổ thông; những thước phim về sự hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan hay vẻ đẹp lộng lẫy của ruộng bậc thang mùa vàng, mùa nước đổ… đã thôi thúc bước chân du khách đến với Sa Pa. Du lịch Sa Pa cần thêm nhiều tác phẩm như vậy để đưa những giá trị cốt lõi của vùng đất, con người nơi đây đến với du khách trên toàn thế giới", Phó Thủ tướng nói.

Người dân và du khách đã được thưởng thức đại tiệc âm nhạc ngập tràn sắc màu văn hóa dân tộc với chủ đề “Sa Pa diệu kỳ”, bao gồm 3 chương là “Sa Pa kỳ vĩ linh thiêng,” “Diệu kỳ miền đất sương mây” và “Sa Pa - Kết nối khát vọng xanh”, với sự tham gia của 500 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng.

Xuyên suốt chương trình nghệ thuật đặc biệt, du khách được tìm hiểu về một Sa Pa ẩn chứa những điều diệu kỳ. Đặc biệt, lần đầu tiên các hình thức diễn xướng tổng hợp (ca, múa, nhạc, diễn xướng dân gian, hoạt cảnh, diễn kịch hình thể, hiệu ứng cổ động…) được biểu diễn trên sân khấu đa không gian, đa chiều, đa tầng. Bên cạnh lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy, Mông) đại diện cho 5 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông và mùa yêu ở Sa Pa để tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa đậm tính nhân văn thì việc đưa âm hưởng đương đại vào chương trình cũng mang đến sự hấp dẫn, mới mẻ phù hợp với từng nhịp sống Sa Pa hiện đại.

Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa kết thúc bằng màn pháo hoa tầm thấp rực rỡ sắc màu, mang lại sự thú vị, mãn nhãn đối với du khách và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tưng bừng Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa