Ngày 28/11, tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương và Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu. Đây là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và châu Âu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện, mở rộng không gian thương mại, đầu tư giữa hai bên một cách sâu rộng và chiến lược.
Hiệp định thương mại (EVFTA) là tập hợp các nguyên tắc ứng xử các quốc gia thành viên, đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, lành mạnh trong khu vực; kiểm soát chặt chẽ các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh; công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh.
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Nuskin Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: "Hội thảo Hiệp định thương mại EVFTA này đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về EVFTA. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã nắm bắt được những lợi ích và nhận thức rõ các rủi ro pháp lý có thể gặp phải khi tham gia thị trường quốc tế", bà Tâm nói.
Hiệp định thương mại được thiết kế không chỉ để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ cạnh tranh cho biết, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều này, được chứng minh qua kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là gần 50 tỷ USD.
Việc tham gia EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về cải cách thể chế, minh bạch hóa và tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thực sự nâng tầm năng lực cạnh tranh của mình.
Ban tổ chức đã lựa chọn các quy định có liên quan và phù hợp với thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Các nội dung được tập trung phân tích bao gồm: quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; các quy tắc về cạnh tranh không lành mạnh; so sánh và phân tích đặc thù pháp luật cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia EU; phân tích các trường hợp điển hình.