Đời sống

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và thách thức

Minh Lý 17/05/2025 - 07:01

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay”.

AI – Động lực đổi mới phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một trong những đột phá công nghệ chủ đạo của thời đại; tác động mạnh mẽ tới mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội. Đối với khoa học xã hội và nhân văn, trí tuệ nhân tạo đang mở ra những định hướng nghiên cứu mới, cung cấp phương pháp nghiên cứu và công cụ nghiên cứu mới.

thiet-ke-chua-co-ten-2025-05-16t205316.096.png
Toàn cảnh hội thảo.

Từ phân tích dữ liệu xã hội ở quy mô lớn, trích xuất và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho đến mô hình hóa hành vi và dự báo xu hướng xã hội, trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản cách thức, phương thức tiếp cận, lý giải và phản ánh các hiện tượng xã hội.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng lưu ý, bên cạnh những tiềm năng to lớn, việc AI đặt ra nhiều thách thức như khả năng tiếp cận công nghệ mới, kỹ năng phân tích, lập trình, khai thác ứng dụng đối với các nhà nghiên cứu; vấn đề khai thác, sử dụng dữ liệu lớn (AI chỉ hoạt động hiệu quả khi có dữ liệu lớn được chuẩn hóa, cấu trúc tốt trong khi khoa học xã hội và nhân văn thường sử dụng dữ liệu định tính khó số hóa, chuẩn hóa);

Tiềm ẩn nguy cơ sai lệch do thuật toán và dữ liệu huấn luyện; vấn đề đạo đức và quyền riêng tư trong xử lý dữ liệu xã hội; vấn đề liêm chính học thuật, quyền sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, công bố kết quả khoa học qua các ứng dụng từ AI; vấn đề về bảo đảm tính phản biện, kiểm chứng và trách nhiệm khoa học trong các nghiên cứu có sử dụng AI.

Thách thức và yêu cầu mới trong kỷ nguyên số

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đã và đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên mà còn khẳng định vai trò ngày càng rõ nét trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI cũng đặt ra các yêu cầu mới về khung pháp lý, đạo đức nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ và tính minh bạch trong quá trình triển khai.

lanh-dao-vien-han-lam-khxh-viet-nam-trao-trao-bang-khen-cho-cac-ca-nhan-co-thanh-tich-xuat-sac-trong-cong-tac-nghien-cuu-khoa-hoc..png
Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận tổng quan về AI và các ứng dụng hiện đại trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; thực trạng ứng dụng AI tại Việt Nam; cơ hội và thách thức khi tích hợp công nghệ AI vào các ngành nghiên cứu như triết học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học, khảo cổ học, sử học, luật học…

Nhiều ý kiến phân tích các vấn đề phương pháp nghiên cứu mới trong kỷ nguyên số, mối quan hệ giữa dữ liệu - công cụ - phương pháp trong nghiên cứu khoa học xã hội, khả năng khai thác dữ liệu mở, khoa học mở, cũng như yêu cầu cấp thiết về khung chính sách, đạo đức AI trong bối cảnh ứng dụng ngày càng sâu rộng.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi và thảo luận về các xu hướng mới trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên nền tảng định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Thông qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; mở rộng cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, đơn vị đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.

Dịp này, trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố quyết định khen thưởng và trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Cơ hội v thách thức