Sáng nay (8/4), Quốc hội đã tiến hnh bầu Ph Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Bên hnh lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự kỳ vọng vo quá trình cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ mới.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương) đánh giá thời gian qua, nhờ sự phát hiện của quần chúng, các cơ quan truyền thông, sự giám sát của các đại biểu Quốc hội, nhiều vụ án oan sai rất cộm cán, tích tụ từ nhiều năm được xử lý rốt ráo, trả lại công bằng cho người bị oan. Theo đại biểu, đây là bài học không chỉ về cải cách tư pháp mà còn về trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong quá trình tham gia tố tụng. Cải cách tư pháp giúp minh định hệ thống tư pháp. Tuy nhiên vấn đề còn lại là các cá nhân, đơn vị chức năng cần làm tròn chức năng, nhiệm vụ và khách quan trong truy tố, xét xử. Đại biểu cho rằng đây phải là nhiệm vụ thường xuyên, chứ không chỉ chờ cải cách tư pháp mới thực hiện.
Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá hoạt động tư pháp nhiệm kỳ vừa qua đã triển khai một bước theo tinh thần cải cách tư pháp của Trung ương và bước đầu có những kết quả nhất định trong việc sắp xếp, phân công lại một số thiết chế về tổ chức trong hệ thống Tòa án cũng như Viện Kiểm sát, sự phân công, phối hợp trong hoạt động tư pháp cũng có những bước phát triển mới. Nhấn mạnh đây là những bước tiến ban đầu về tổ chức, năng lực bộ máy để thích nghi với đổi mới, tuy nhiên đại biểu Lê Thanh Vân thấy rằng cải cách tư pháp cần một quá trình. Đại biểu tin tưởng trong nhiệm kỳ tới với sự phân công nhiệm vụ, công tác rõ ràng, mạch lạc hơn, với người đứng đầu mới thì việc hoàn thiện bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên)
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đảm bảo đúng người, đúng tội, tránh oan sai đồng thời không để lọt tội phạm trong quá trình truy tố, xét xử là yêu cầu bức thiết đang đặt ra hiện nay. Thực hiện mục tiêu này sẽ giúp đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã bước đầu đặt ra yêu cầu này, đồng thời các đại biểu Quốc hội đã thực hiện mạnh mẽ, sát sao hơn việc giám sát, rà soát hoạt động tư pháp. Một trong những nhiệm vụ mà Quốc hội khóa XIII đã nhấn mạnh trong Nghị quyết là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội, không được làm oan sai đồng thời đảm bảo không bỏ lọt tội phạm. Với những mục tiêu rõ ràng mà Quốc hội đặt ra, đại biểu Nguyễn Thái Học tin tưởng tân Chánh án TANDTC, tân Viện trưởng VKSNDTC cao sẽ xác định rõ hơn trách nhiệm của mình và đưa ra được những chương trình hành động cụ thể hơn để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh một trong những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là phải nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp và mong muốn Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trong nhiệm kỳ tới phải chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, trách nhiệm để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp.
Đánh giá giai đoạn tới, cải cách tư pháp rất quan trọng vì đất nước đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật phải được đặt lên thượng tôn, tuy nhiên đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng do còn nhiều bất cập, nên cần đổi mới, cải cách để hoạt động tư pháp có sự độc lập tương đối, tăng tính chịu trách nhiệm trong công tác truy tố, xét xử nhằm khắc phục được tình trạng án oan sai như vừa qua, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá cao khi nhiệm kỳ vừa qua, một số án oan sai đã được phát hiện, xử lý, minh oan; đồng thời các đại biểu Quốc hội đã tăng cường giám sát trong hoạt động truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng. Đây là dấu ấn lớn về cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu nhấn mạnh.