Theo người phát ngn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, vaccine ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian sớm nhất (c thể l năm 2022) để chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng ph với đại dịch.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25/3, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời phóng viên nước ngoài một số câu hỏi liên quan đến vấn đề sản xuất cũng như tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, phóng viên Đài Sputnik Nga cho biết: Ngày 23/3, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, một số nhà lãnh đạo các nước như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Slovakia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Trước đề nghị cho biết một số thông tin về kế hoạch tiêm vaccine cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong đó xác định rõ 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine và giao Bộ Y tế chỉ đạo việc phân bổ vaccine cho các địa phương”.
“Theo Nghị quyết này, các đối tượng ưu tiên tiêm trước hết là các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, (i) Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch, quân đội, công an; (ii) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; (iii) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…; (iv) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; (v) Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; (vi) Người sinh sống tại các vùng có dịch; (vii) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; (viii) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; (ix) cuối cùng là các đối tượng do Bộ Y tế kiến nghị và quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch”, bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng chúc mừng nước Nga đã sản xuất thành công vaccine Covid-19 và phổ biến cho đông đảo người dân; đồng thời cho hay, theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Việt Nam - PV), tính đến ngày 21/3/2021 vừa qua có hơn 35.000 người đã được tiêm vaccine.
* “Trước nguồn cung vaccine thiếu hụt như hiện nay thì Việt Nam có kế hoạch đàm phán mua thêm vaccine Sinovax hay là Sputnik V?”. Đây là câu hỏi của phóng viên Reuters đã đặt ra tại họp báo thường kỳ.
Bà Hằng cho biết, sau khi dịch COVID-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng chống Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước.
Theo người phát ngôn, cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca cũng như vaccine Sputnik V của Nga.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung vaccine, khẩn trương làm việc với một số nhà sản xuất khác trên thế giới của các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam, để có thể góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.
“Ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong thời gian sớm nhất (có thể là năm 2022) để chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó với đại dịch. Theo tôi được biết, đã có hai loại loại vaccine Việt Nam nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 và quá trình thử nghiệm đang diễn ra theo đúng quy trình và đảm bảo các quy định của Bộ Y tế”, bà Hằng nói.