Tin địa phương

Văn phòng Đăng ký đất đai được sắp xếp thế nào sau khi huyện giải thể?

Thanh Phương 14/05/2025 - 13:32

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương xem xét, sắp xếp lại các Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện, thị, thành phố khi cấp có thẩm quyền chấm dứt chính quyền cấp huyện.

Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa có 26 Chi nhánh đặt tại các huyện, thị xã, thành phố với gần 600 người làm việc.

vpdakdd.jpg
Sắp xếp lại Văn phòng Đăng ký đất đai của 26 huyện, thị, thành phố

Nhiệm vụ giúp Văn phòng thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thông tin đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước khác về đất đai trên địa bàn.

Thời gian chấm dứt nhiệm vụ chính quyền cấp huyện không còn nhiều (trước ngày 1/7/2025), cơ quan chức năng đang khẩn trương nghiên cứu sắp xếp lại, tổ chức lại 26 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành 166 Chi nhánh quản lý theo địa giới hành chính các xã, phường mới được thành lập.

matbang.jpg
Thanh Hóa là địa phương đấu giá đất có số lượng lớn

Phương án này giúp người dân hạn chế phải di chuyển xa, công tác phối hợp với UBND cấp xã trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được chặt chẽ, kịp thời, hỗ trợ cho UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.

Tuy nhiên làm tăng số lượng đơn vị đầu mối, tăng viên chức lãnh đạo, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế chưa bảo đảm, khó khăn trong đầu tư trụ sở, kho lưu trữ, máy móc trang thiết bị làm việc, ảnh hưởng đến mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị.

moigioi.jpg
Hoạt động mua bán đất, môi giới diễn ra nhộn nhịp ở Thanh Hóa

Phương án khác là giữ nguyên 26 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực liên xã theo địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố như hiện nay. Tổ chức bộ máy và hoạt động của các Chi nhánh được giữ ổn định, bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, liên tục; tuy nhiên chưa bảo đảm yêu cầu về tinh gọn bộ máy theo chủ trương, định hướng sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập.

Thêm một phương án nữa là tổ chức lại 26 Chi nhánh hiện nay thành các Chi nhánh khu vực (đề xuất khoảng 10 đến 13 trung tâm) hoạt động trên địa bàn xã, phường. Phương án này bảo đảm chủ trương tinh gọn bộ máy, giảm số lượng đầu mối và viên chức lãnh đạo quản lý.

Tuy nhiên, với địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, hồ sơ giao dịch về đất đai ngày càng nhiều và phức tạp sẽ khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Các hoạt động của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thường khá nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì thủ tục rườm rà, “cò” chạy làm sổ hồng, biến động, áp giá tính thuế theo từng thời điểm sử dụng dễ dẫn tới sai sót, hoặc có những hành vi sách nhiễu, tham nhũng vặt.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa Cao Văn Cường cho biết: “Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu các phương án, thực tế tình hình địa phương và chờ hướng dẫn của trung ương để sắp xếp Văn phòng Đất đai một cách khoa học, tinh gọn, dễ kiểm tra, giám sát phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn phng Đăng ký đất đai được sắp xếp thế no sau khi huyện giải thể?