Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui là một trong những nghi lễ quan trọng của người dân tộc Jrai, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh.
Người Jrai cầu mưa trên đỉnh núi thần
Như đã trở thành thông lệ, hàng năm UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai) lại rộn ràng tổ chức lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang tại khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện).
Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui (Vua Lửa) là văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, nhằm cầu mong trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ, mọi người được bình an khỏe mạnh…
Lễ cúng cầu mưa thường diễn ra vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, thời điểm thường xảy ra hạn hán gay gắt với mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mở đầu nghi lễ, ông Siu Phơ (phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) dẫn đầu đoàn nghi lễ rước lễ vật lên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để thực hiện các nghi thức. Lễ cúng được diễn ra một cách trang nghiêm, dưới sự chứng kiến của cả làng. Vật phẩm cúng tế trong buổi lễ là một con heo đực đen không có đốm trắng, 3 ché rượu Jơbô. Những vật dụng được dùng trong lễ cúng gồm có tô đồng, 5 tô sứ trắng, 5 cần rượu bằng tre, sáp ong se thành từng cây nến, gạo nếp đẹp, thịt cắt khúc bày sẵn…
Sau khi lửa được nhóm lên, heo đã được làm thịt, ông Rah Lan Hieo (cũng là phụ tá của Vua Lửa thứ 14) bày thịt ra đĩa cùng các lễ vật gồm 1 ghè rượu, 1 tô gạo. Khi ngọn nến được thắp sáng cũng là lúc tiếng cồng, tiếng trống vang lên, ông Rah Lan Hieo vừa khấn, vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự lễ hội.
Tiếp đến, ông Siu Phơ rót rượu vào 1 cái tô đồng, lấy thịt đem đến đổ vào gốc cây và khe núi như để tưởng nhớ các Pơtao Apui đã khuất núi, cầu xin các Pơtao Apui phù hộ cho lời cầu khấn thành hiện thực.
Dưới gốc cây thần linh (Phun Kyao Yang), thầy cúng Siu Phơ cầu xin thần linh, trời đất cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi, sinh tồn thuận hòa với tự nhiên; các vị thần giúp cho con người làm chủ cuộc sống, dân làng đoàn kết, khỏe mạnh, chiến thắng mọi thiên tai địch họa, giữ buôn làng ấm no.
Khi ông Siu Phơ quay trở lại ché rượu, là lúc ông Rah Lan Hieo từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến các thần linh. Tất cả được thực hiện một cách nhịp nhàng.
Ông Siu Phơ-phụ tá của ông Rah Lan Hieo cho biết: Khi những bao lúa đã chất đầy kho, là lúc người Jrai chúng tôi lại rộn ràng chuẩn bị lễ vật cúng cầu mưa với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.
Hội thảo khoa học “Vua lửa - Huyền thoại và hiện thực”
Cũng dịp này, UBND tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Vua Lửa - Huyền thoại và hiện thực”, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Plei Ơi, tại huyện Phú Thiện.
Hội thảo do bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và PGS, TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) chủ trì, với sự tham dự của hơn 40 nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng… và hai phụ tá của Vua Lửa đời thứ 14 (vị Vua Lửa cuối cùng của người Jrai trên Tây Nguyên) là ông Siu Phơ, Rơlan Hieo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch gửi lời cảm ơn các nhà khoa học đã quan tâm về dự và thông qua 39 bài viết, công trình nghiên cứu tham gia để làm sáng tỏ thêm về hiện tượng “Vua Lửa - Huyền thoại và hiện thực”.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các nhà khoa học sẽ giới thiệu kết quả nghiên cứu, đưa ra những nhận định, đánh giá mới về vai trò, vị trí của Vua Lửa và việc thực hành nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Từ đó, nêu bật những giá trị của di tích, của nghi lễ trong quá khứ và hiện tại; đề xuất giải pháp nhằm tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử quốc gia Plei Ơi trong thời gian tới, góp phần phát triển du lịch cho địa phương.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các Sở, ngành đã tham luận làm rõ hiện tượng “Vua Lửa - huyền thoại và hiện thực”.
Tại đây, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi để làm rõ hiện tượng “Vua Lửa - Huyền thoại và hiện thực”, nêu lên những giá trị và ý nghĩa của hiện tượng Vua Lửa, hướng tiếp cận và nghiên cứu sâu trong thời gian tới về việc thực hành nghi lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui. Và tham vấn cho địa phương một số hướng đi để nâng tầm và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi.
Được biết, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận làng Plei Ơi (nơi các Vua Lửa sinh sống) là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trải qua năm thế kỷ, các Vua Lửa được kế tục qua 14 đời vua. Vị vua cuối cùng là Siu Luynh mất vào năm 1999. Mặc dù không còn Vua Lửa, nhưng huyền tích của các vị vua vẫn được bảo tồn nguyên giá trị.