Trong các ngày 22 - /7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế thông qua chủ nghĩa đa phương và giải quyết hòa bình các tranh chấp” dưới sự chủ trì của Pakistan, nước Chủ tịch HĐBA tháng 7/2025.
Tại New York, phát biểu dẫn đề cuộc thảo luận, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres chia sẻ quan ngại thực trạng chia rẽ chính trị sâu sắc, xung đột lan rộng tại nhiều khu vực cùng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế thời gian qua đang làm xói mòn lòng tin và suy yếu trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Dẫn chứng các trường hợp Gaza, Ukraine, Sudan, Haiti…, xung đột leo thang dẫn đến khủng hoảng nhân đạo, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và đói nghèo cùng cực, Tổng Thư ký kêu gọi các nước tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý, phát huy tối đa sức mạnh của ngoại giao để chấm dứt hoặc ngăn ngừa xung đột leo thang.
Nhằm khôi phục niềm tin vào chủ nghĩa đa phương, Tổng Thư ký Guterres đề nghị các nước thành viên nỗ lực lắng nghe lẫn nhau, vượt qua khác biệt để xây dựng đồng thuận. HĐBA LHQ - thiết chế trụ cột trong bảo đảm hoà bình, an ninh quốc tế - cần thực hiện cải cách để củng cố vai trò, khả năng hành động, kịp thời giải quyết các thách thức đặt ra bởi thực tiễn địa chính trị hiện nay.
Hưởng ứng thông điệp của Tổng Thư ký LHQ, đa số các quốc gia thành viên, đại diện các nhóm khu vực và các tổ chức quốc tế tham gia phiên thảo luận khẳng định ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của LHQ, nhấn mạnh luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ tiếp tục là nền tảng cốt lõi để duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu. Nhiều quốc gia tỏ quan ngại sâu sắc về xu thế gia tăng các hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, làm gia tăng nguy cơ bùng phát xung đột. Các nước kêu gọi tăng cường vai trò của HĐBA trong ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy giải pháp hòa bình, khuyến khích sử dụng các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, trung gian, hoà giải cũng như cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhằm bảo đảm giải quyết tranh chấp một cách khách quan, công bằng và bền vững.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Đại sứ Đỗ Hùng Việt, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nhiều thách thức hiện nay bắt nguồn từ tình trạng thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cốt lõi giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam tái khẳng định lập trường kiên định ủng hộ chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể do LHQ dẫn dắt, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia, không phân biệt lớn nhỏ, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Đề cập các tranh chấp tại Biển Đông, Đại sứ nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bác bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế, tránh có hành động làm phức tạp tình hình tại khu vực biển này.
Nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, Đại sứ Đỗ Hùng Việt khuyến nghị các nước kiên trì đối thoại chân thành, cởi mở, thực tâm thông qua tất cả các kênh; thực hiện kiềm chế, tránh hành động đơn phương hoặc sử dụng vũ lực khi vẫn còn cơ hội giải quyết bằng biện pháp hòa bình; đồng thời, khi tranh chấp phát sinh, các bên nên phát huy đầy đủ các cơ chế quy định tại Hiến chương LHQ, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để đạt giải pháp công bằng, lâu dài, qua đó củng cố hoà bình và tình hữu nghị bền vững giữa các quốc gia, dân tộc.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, HĐBA LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết 2788 do Pakistan chủ trì soạn thảo nhằm củng cố các chế giúp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia sử dụng hiệu quả tất cả các cơ chế, thủ tục theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, trong đó bao gồm thương lượng, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, sử dụng toà án, các thiết chế và thoả thuận khu vực hoặc bất cứ biện pháp hoà bình nào khác do quốc gia lựa chọn.