Đời sống

Vốn tín dụng chính sách - 'đòn bẩy' giúp dân Kon Rẫy thoát nghèo

Văn Hà 10/04/2025 08:18

Thời gian qua, nhờ vào nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn hộ dân tại huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Một trong những câu chuyện thành công điển hình là gia đình anh A Lên (thôn Kon Rơ Pen, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy). Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn vốn đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, vào năm 2012, anh đã vay triệu đồng từ chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo để mua một con bò giống sinh sản. Sau hơn 3 năm chăm sóc, đàn bò của gia đình anh đã sinh sản thêm 3 con.

Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh A Lên quyết định bán 2 con bò để trả nợ gốc ngân hàng và vay lại 50 triệu đồng để đầu tư trồng cao su. "Đến năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện nay, vườn cao su của tôi phát triển tốt và sắp tới có thể thu hoạch. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, đời sống gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể", anh Lên phấn khởi.

Không chỉ gia đình anh A Lên, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác ở huyện Kon Rẫy cũng đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế. Một trong số đó là anh Trần Văn Ngọc, thôn 6, xã Tân Lập.

5f3794fa-351e-475d-9509-88af5eafb8b0.jpg
Mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi, gia đình anh Trần Văn Ngọc, thôn 6, xã Tân Lập đã có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Theo đó, vào năm 2021, anh Ngọc đã được vay 110 triệu đồng từ NHCSXH huyện Kon Rẫy. Với nguồn vốn này, anh mua 8 con bò giống và đầu tư chuồng trại nuôi bò vỗ béo. Trong 2 năm đầu, việc chăn nuôi bò của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi con bò cho anh lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.

"Ngoài việc nuôi bò, vợ chồng tôi còn mua xe tải để thu mua mủ cao su từ người dân và khai thác mủ từ hơn 1.000 cây cao su trong vườn nhà. Chúng tôi cũng nuôi thêm vịt, trung bình mỗi tháng thu nhập của gia đình tôi vào khoảng 30 triệu đồng", anh Ngọc vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kon Rẫy, cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kon Rẫy đã triển khai các điểm giao dịch tại cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, NHCSXH huyện cũng tích cực phối hợp với các cấp, các ngành và các xã để phổ biến, quán triệt và tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về lợi ích của nguồn vốn này.

Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Kon Rẫy sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Việc triển khai các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương sẽ giúp thúc đẩy công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách, đảm bảo các hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.

Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp hàng nghìn hộ dân ở huyện Kon Rẫy thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững.

Việc tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn này không chỉ giúp giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Rẫy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn tín dụng chính sách - 'đn bẩy' giúp dân Kon Rẫy thoát nghèo