Sau 5 ngày tạm ngưng, ngày mai (3/4) phiên tòa phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và các đồng phạm giai đoạn 2 sẽ bước sang phần tranh luận.
Từ ngày 25/3 đến hết 28/3, TAND cấp cao tại TP.HCM diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án bị cáo Trương Mỹ Lan (69 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm (giai đoạn 2) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (hơn 30.000 tỷ đồng), “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” (hơn 106.000 tỷ đồng) và tội “Rửa tiền” (hơn 445.000 tỷ đồng).
Cháu gái Trương Mỹ Lan khai gì?
Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, còn có 27/34 bị cáo, 35 bị hại và 7 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) kháng cáo đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.
Tuy nhiên, có 2 bị cáo đã rút kháng cáo. Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Chồng bị cáo Lan là bị cáo Chu Lập Cơ (69 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) không kháng cáo, chấp nhận bản án 2 năm tù, do đồng phạm giúp sức vợ rửa 33 tỷ đồng.
Được tòa gọi lên thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) cho biết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin trả lại 1 chiếc đồng hồ, 13 chiếc điện thoại vì không liên quan trong vụ án mà phiên tòa sơ thẩm chưa xem xét.
Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty WMC, bị cáo Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để Công ty WMC chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông để mua trái phiếu sơ cấp, thông đồng với bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền này của các bị hại. Bị cáo Vân bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Huệ Vân mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo vì thời điểm đó bị cáo còn trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật, bị cáo hoàn toàn không có ý định lừa đảo, chiếm đoạt cũng không nhận được sự chỉ đạo của ai. Mong xem xét lại vai trò, hành vi để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Chủ tọa cho rằng, mặc dù bị cáo nói không nhận được sự chỉ đạo của ai nhưng bản thân đã đi làm thì phải biết, khi xảy ra thiệt hại có một phần trách nhiệm của mình. HĐXX cũng ghi nhận bị cáo Vân đã khắc phục thêm 2 tỷ đồng trước phiên tòa phúc thẩm.
Cựu lãnh đạo SCB xin giảm nhẹ hình phạt
Đối với bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), bị cáo này cho rằng tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo 12 năm tù cho hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” là quá nặng.
Bị cáo Văn thừa nhận trách nhiệm của mình, nhưng xin HĐXX xem xét vì không biết việc phát hành trái phiếu trái pháp luật. Bị cáo Văn cho rằng hệ thống phát hành trái phiếu thời điểm đó rất sơ sài, lỏng lẻo.
Việc ký duyệt hợp đồng khống, chuyển tiền, giúp sức bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Văn nói lúc đó đã nghỉ việc, không còn làm việc tại SCB nên không thể chịu trách nhiệm.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Văn đã giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 28.400 tỷ đồng của các bị hại liên quan đến các gói trái phiếu. Đồng thời, bị cáo Văn ký duyệt tổng cộng 20 giao dịch, giúp cho bị cáo Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 516 triệu USD (tương đương hơn 11.900 tỷ đồng).
Bị cáo Văn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị tòa xem xét lại về việc bản án sơ thẩm buộc bị cáo chịu trách nhiệm về quy trình phát hành trái phiếu khống tại Công ty Setra.
Các cựu lãnh đạo SCB như: Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB)... mong tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát khai gì?
Ở phiên xét xử sơ thẩm hồi năm 20, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12 năm tù tội “Rửa tiền”, 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là án chung thân.
Đồng thời, Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 người dân.
Không đồng tình với bản án trên, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Theo bản án sơ thẩm ngày 17/10/20, bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời là người nắm giữ quyền quyết định cao nhất, chi phối và chỉ đạo mọi hoạt động tại SCB.
Tại phiên tòa, bị cáo Lan nói gia tộc mình là dân làm ăn trên 50 năm, không có vi phạm pháp luật. Mùa dịch Covid-19, bản thân bị cáo và gia tộc đã mua vắc-xin cứu giúp cộng đồng. Cả gia tộc đều cống hiến cho đất nước, được tặng Huân chương hạng nhất nhưng bây giờ gia đình tan nát hết.
Bị cáo Lan khóc, xin kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì bị tuyên xử quá nặng.
“Bản thân xin nhận tội hết, xin tha cho những người dưới quyền. Vì họ chỉ làm công ăn lương, làm theo yêu cầu của cấp trên. Nhiều người đang bị bệnh, có người có con nhỏ, cha mẹ già yếu, bệnh tật… xin HĐXX xem xét giảm án thấp nhất cho họ”, bị cáo Lan nói.
Bị cáo Lan cũng nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không liên quan tới ngân hàng SCB, chưa có bất kỳ giao dịch nào giữa Vạn Thịnh Phát với SCB.
Về số tiền chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng trái phiếu, bị cáo Lan nói “Bản thân tự nhận trách nhiệm trả cho trái chủ chứ chưa bao giờ chiếm đoạt. Đó là trách nhiệm của SCB, bị cáo sợ dân biểu tình nên nhận trả thay, mong HĐXX và đại diện VKS làm rõ vấn đề này”.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, Trương Mỹ Lan bị HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên y án tử hình chung cho 3 tội “Đưa hối lộ” (20 năm tù), “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (16 năm tù, sơ thẩm 20 năm tù) và “Tham ô tài sản” (tử hình).
Tòa còn buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỷ đồng.