Dù Giáp Thị Huyền Trang được cơ quan công an xác định đã tự tử, nhưng vụ án vẫn tiếp tục được xử lý theo quy định.
Ngày 23/9, Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Hưng Yên vẫn đang củng cố hồ sơ, giải quyết vụ án bé gái 2 tuổi bị Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996, thường trú tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bắt cóc, sát hại cách đây ít ngày.
Trong vụ án này, cả bị hại là cháu T. (2 tuổi, trú huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) và nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang đều được xác định đã tử vong, tuy nhiên vụ án vẫn tiếp tục được cơ quan công an xử lý theo quy định. Nhiều độc giả đặt câu hỏi vụ án này sẽ được giải quyết như thế nào? Cơ quan chức năng sẽ làm gì khi nghi phạm đã chết?
Trả lời câu hỏi trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết: Hành vi bắt cóc cháu T. để đòi tiền chuộc từ gia đình cháu bé của Trang là hành vi đã cấu thành tội phạm. Nếu xác định Trang cố tình sát hại cháu bé, đối tượng phải đối diện với mức án cao nhất là Tử hình căn cứ theo tội “Giết người” - Điều 123 Bộ luật Hình sự 20 sửa đổi, bổ sung 2017. Trường hợp Trang vô tình sát hại cháu bé, mức án cao nhất sẽ là chung thân.
“Nếu trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định có người giúp sức hoặc là đồng phạm, xúi giục… tức là có nghi phạm khác ngoài Trang, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra, khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu Trang là nghi phạm duy nhất của vụ án và được xác định đã chết căn cứ Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự 20, Cơ quan điều tra nếu đã khởi tố vụ án thì sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự”, luật sư Bình nhận định.
Về việc bồi thường cho gia đình bị hại, luật sư Bình cho hay, căn cứ Điều 6 Bộ luật Dân sự 20, dù nghi phạm Trang đã chết nhưng những người hưởng thừa kế của Trang vẫn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Cụ thể, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự bao gồm:
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì bồi thường cho người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.
Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trước đó, khoảng 16h51 ngày 19/9, tại khu đô thị cao cấp thuộc địa phận xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, một đối tượng là nữ giới đã thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em và nhắn tin tống tiền gia đình cháu bé với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Ban đầu xác định nghi phạm thực hiện hành vi trên là Giáp Thị Huyền Trang. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã tìm thấy tử thi cháu T. (trú huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) tại ao thả cá ở cánh đồng thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cạnh khu vực bờ mương.
Đến chiều tối 21/9, người dân và cơ quan chức năng phát hiện 1 thi thể nữ giới nổi trên sông Đuống thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Qua giám định, thi thể trên là Trang.
Ngày 22/9, Công an TP Hà Nội công bố đã khởi tố vụ án hình sự “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” để điều tra về vụ việc Trang bắt cóc cháu T. đòi tiền chuộc.
Cũng trong cùng ngày, Công an tỉnh Hưng Yên cũng thông tin đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Giáp Thị Huyền Trang để điều tra về hành vi “Giết người” sau khi thi thể cháu T. được phát hiện trên địa bàn tỉnh này.