Đời sống

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Người dân mong mỏi tiền hỗ trợ

Đức Sơn 02/11/2023 - 10:21

Dù đã nhận được khoản hỗ trợ ban đầu để gượng qua giai đoạn khó khăn trước mắt, nhưng gia đình những nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ vẫn đang mong mỏi số tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Mong mỏi tiền hỗ trợ

Đã gần 50 ngày kể từ khi vụ cháy chung cư mini thương tâm khiến 56 người tử vong, nhiều người bị thương ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội xảy ra, nhưng nhiều người là nạn nhân của vụ cháy vẫn chưa ổn định cuộc sống. Trong đó có ông Ngô Phó Điền (SN 1957, bảo vệ khu chung cư) và vợ là bà Đặng Thị Yên (SN 1964). Hai người hiện vẫn đang phải ở nhờ nhà anh trai bà Yên tại căn hộ tập thể đã xuống cấp ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa.

chaychungcu.jpg
Vợ chồng bà Yên đang ở nhờ căn hộ tập thể của anh trai

Chia sẻ với PV, bà Yên cho biết, từ khi vụ việc xảy ra, ông Điền cứ ngồi bần thần cả ngày, lúc cười, lúc khóc. Người đàn ông tuổi đã gần thất tuần đã bị tai biến 3 lần, gặp thêm cú sốc khi mất đi con, cháu càng khiến tình trạng sức khoẻ của ông Điền kém đi. Chỉ ít ngày trước khi vụ cháy xảy ra, ông Điền và bà Yên vẫn có cuộc sống hạnh phúc bên vợ chồng con gái và 2 cháu ngoại, ở cùng toà chung cư mini tại phố Khương Hạ. Thế nhưng, vụ cháy đã thay đối cuộc sống của vợ chồng bà Yên mãi mãi.

“Mọi vật dụng đều bị cháy rụi sau vụ cháy. Đến nay, gia đình tôi được hỗ trợ tổng cộng 146 triệu đồng để trang trải cuộc sống và lo hậu sự cho vợ chồng con gái cùng 2 cháu ngoại đã tử vong. Hiện, chính quyền địa phương vẫn đang tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các nạn nhân như chúng tôi, ai có nhu cầu thì đến lấy”, bà Yên thở dài khi nói về hoàn cảnh hiện tại.

Bà Yên tâm sự, nếu trong tương lai, khoản đền bù 132 tỷ mà báo đài đưa tin được cơ quan chức năng giải ngân có thể đủ mua một căn hộ bé nào đó thì vợ chồng bà sẽ mua. Cuộc sống “không thể ở nhờ” mãi được, còn khi không đủ mua thì vợ chồng bà sẽ đi thuê trọ.

“Tôi chỉ mong được ổn định cuộc sống”, bà Yên buồn rầu nói.

chay-3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp thị sát hiện trường vụ cháy ở Khương Hạ

Một trường hợp khác là anh Ngô Văn Hoà (SN 1999) đã mất 3 người thân là mẹ, anh ruột và vợ sắp cưới trong vụ cháy. Hiện tại, người đàn ông tuổi vẫn chưa thể bắt nhịp được với cuộc sống thường ngày. Công việc chính của anh Hoà là kinh doanh quần áo nhưng đến nay, đã gần 50 ngày kể từ khi vụ cháy xảy ra, anh Hoà vẫn chưa kinh doanh trở lại. Việc mất cùng lúc 3 người thân để lại nỗi đau quá lớn cho người đàn ông trẻ. Hiện anh đang ở tại nhà ông, bà nội.

“Ngày 17/9, tôi đã nộp giấy tờ đăng ký tạm trú, tạm vắng cho Ban quản trị Chung cư mini để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà của TP. Hà Nội. Tôi mong rằng, Nhà nước sẽ hỗ trợ kịp thời để chúng tôi ổn định cuộc sống”, anh Hoà chia sẻ.

Công khai số tiền hỗ trợ nhưng chưa giải ngân hết

Trước đó, ngày 30/10, Ban Vận động Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân đã ban hành Thông báo số 09/TB-BVĐ về việc công khai số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân - Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn tại phường Khương Đình.

Ban Vận động thông báo tổng số tiền đã tiếp nhận được: 132.287.384.182 đồng (một trăm ba hai tỷ hai trăm tám bảy triệu ba trăm tám tư nghìn một trăm tám hai đồng). Thời gian công khai là 30 ngày.

Ban Vận động sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận quản lý, phân phối nguồn ủng hộ đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và minh bạch.

z4822357430235_5c7d2d0a7aa98b8350f9f7e6b7dab1e0.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ

Liên quan đến vấn đề này, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, đến ngày 27/10, mới giải ngân được khoảng 5 - 6 tỷ đồng trong tổng số tiền hỗ trợ nói trên. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, việc chậm chi tiền hỗ trợ cho các nạn nhân là: "Thiếu trách nhiệm, khẳng định thế. Nếu có vấn đề gì xảy ra làm chậm giải ngân, phải có phương án giải quyết để đời sống các hộ chịu ảnh hưởng được ổn định".

Ông Cừ cho rằng, trước hết phải xây dựng cơ chế xử lý số tiền đó sao cho "nhanh, kịp thời, hiệu quả nhất". Vấn đề này vốn thuộc MTTQ và đây là cơ quan chuyên môn, có nghiệp vụ, trách nhiệm xử lý, không thể để số tiền ủng hộ "nhàn rỗi".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cháy chung cư mini ở H Nội: Người dân mong mỏi tiền hỗ trợ