Nhịp cầu Công lý

Vụ vi phạm quy định về cho vay tại Cần Thơ: Luật sư kiến nghị thu thập thêm chứng cứ

K.Lâm 06/08/20 09:32

Dù vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Cần Thơ đã kéo dài gần 10 năm, qua nhiều lần điều tra bổ sung và nhiều phiên tòa nhưng một số Luật sư cho rằng, vẫn còn một số tình tiết quan trọng còn mâu thuẫn hoặc chưa được làm rõ; đồng thời đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thêm chứng cứ...

Có "thống nhất" nâng khống giá trị đất hay không?

Theo Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ, vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) và các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải (Giám đốc), Trần Huy Liệu (Phó Giám đốc), Bùi Tuấn Anh (Trưởng phòng tín dụng) đã bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản thủy sản trong khi Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Các bị can đã thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam, chấp nhận cho Nhân sử dụng tiền vay sai mục đích; Tại lần giải ngân thứ nhất không có tài sản bảo đảm thế chấp; các lần giải ngân không có hóa đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc cung cấp chứng từ khống nhưng vẫn được ký duyệt giải ngân. Các bị can Hải, Liệu, Tuấn Anh không thực hiện kiểm tra nguồn vốn sau khi cho vay nhưng vẫn lập khống các biên bản kiểm tra sau khi cho vay để hợp thức hồ sơ vay vốn.

nhan.jpg
Các bị cáo từng được HĐXX sơ thẩm tuyên “không phạm tội” tại phiên tòa đầu năm 2022 nhưng sau đó bị Viện kiểm sát kháng nghị.

Ngoài Công ty Tây Nam thì các bị can còn thống nhất cho Nhân sử dụng các pháp nhân là Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam.

Trao đổi với PV, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ án này, cần xem xét lại nội dung cáo buộc các bị cáo về hành vi “thống nhất” nâng khống giá trị tài sản đảm bảo.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, cả ba bị cáo Hải, Liệu, Tuấn Anh đều khai rằng việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp do cán bộ ngân hàng thực hiện, và Nhân không tham gia vào quá trình này.

Công ty Tây Nam lập dự án và vay vốn với tài sản thế chấp là siêu thị Citimart (gần 3.000m2 đất và trên 6.000m2 sàn) tại đường Nguyễn Trãi, TP. Cần Thơ. Trong quá trình điều tra, các Luật sư đã đưa ra chứng cứ nhằm chứng minh kết luận định giá tài sản trong tố tụng thấp hơn nhiều so với giao dịch trên thị trường. Đơn cử như Hợp đồng chuyển nhượng đất tại 30 Nguyễn Trãi (TP Cần Thơ) thể hiện diện tích hơn 126m2 có giá hơn 14,5 tỷ đồng; Hợp đồng chuyển nhượng đất tại số 32 Nguyễn Trãi thể hiện diện tích 113m2 có giá giá gần 13 tỷ đồng.

Định giá đất không tham khảo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ?

Đặc biệt, liên quan đến giá đất tại 12 Nguyễn Trãi, ngày 22/6/2018, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận thanh tra số 987/KL-TTCP (thanh tra việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác của UBND TP Cần Thơ) xác định, vào thời điểm tháng 9/2012, giá trị thực tế, giá khởi điểm của khu đất là hơn 233 tỷ đồng (do có hệ số biến động giá đất so với năm 2010 là 2,26 lần). Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực lúc đó là ông Trương Hòa Bình đã có ý kiến yêu cầu “căn cứ kết luận thanh tra, UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện”.

Vì vậy, Luật sư cho rằng việc ngày 20/3/2013, các bị can lập biên bản xác định giá trị tài sản số 12 Nguyễn Trãi có giá trị hơn 231,7 tỷ đồng là có căn cứ, phù hợp với cách tính của Thanh tra Chính phủ sau này chứ không có dấu hiệu “nâng khống”.

Luật sư Bình cũng cho rằng, việc khởi tố vụ án này có dấu hiệu bất thường, thiếu căn cứ bởi trước đó, Ngân hàng đã khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, đề nghị phát mãi tài sản đã thế chấp của Công ty Tây Nam để thu hồi nợ, TAND quận Ninh Kiều đã thụ lý vụ án.

Như vậy, có thể thấy, trong vụ việc này, ngân hàng không tố cáo hình sự, không đề nghị khởi tố vụ án mà chỉ tiến hành khởi kiện dân sự thông thường để đòi nợ. Do vậy, việc khởi tố vụ án Cơ quan ANĐT TP Cần Thơ là bất thường.

Cho rằng hồ sơ vụ án còn thiếu một số tài liệu quan trọng, Luật sư Hà Huy Sơn (bào chưa cho bị cáo Nhân) mới đây đã có đơn đề nghị thu thập chứng cứ là: Hồ sơ định giá liên quan đến Kết luận định giá tài sản số 01/KL-HĐĐG ngày 16/12/2020 của Hội đồng định giá theo vụ việc ở Trung ương; Hồ sơ định giá tài sản của đơn vị Công ty định giá Sài Gòn (Sagonap); Toàn bộ Giấy đề nghị giải ngân của Công ty Tây Nam đối với Hợp đồng tín dụng số 01-/HĐTD.TN ngày 02/01/2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vi phạm quy định về cho vay tại Cần Thơ: Luật sư kiến nghị thu thập thêm chứng cứ