Đời sống

Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH

Trần An 26/04/2025 - 12:19

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu mà nhiều hộ dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tận dụng vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội và công tác cho vay người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, căn bản, toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, hiệu quả của các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều hộ gia đình từ không có tài sản, nay cơ bản đã có đàn gia súc, gia cầm, đất sản xuất…, nhiều hộ đã trả hết nợ, mua sắm được vật dụng có giá trị sinh hoạt trong gia đình.

z6532396637452_27eb32704475ebc3adc9d47ce9379f.jpg
Người dân dễ dàng tiếp cận từ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH

Trong số đó điển hình như nhiều hộ dân tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ người dân tộc cao nhất tỉnh.

Ông Lý Tỷ (73 tuổi, ngụ ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), một trong những hộ cận nghèo, người dân tộc Khmer là ví dụ điển hình cho việc thoát nghèo nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Bạc Liêu.

Ông Tỷ chia sẻ rằng vào năm 2020, ông đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ vay 60 triệu đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, ông mạnh dạn đầu tư cải tạo 0,3 ha đất để trồng hơn 100 gốc nhãn. Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông thu hoạch hai vụ, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu về đạt hơn 50 triệu đồng/năm.

img_1669.jpg
Ông Lý Tỷ (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), đầu tư trồng 100 gốc nhãn hàng năm lợi nhuận hàng chục triệu đồng

Ngoài việc trồng nhãn, ông Tỷ còn tận dụng diện tích đất trống dưới tán cây để trồng thêm rau màu bán mỗi ngày, đồng thời đầu tư mua con giống để chăn nuôi, nhờ đó tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tổng thu nhập hàng năm đạt hơn 100 triệu đồng, giúp gia đình ông ổn định kinh tế và từng bước thoát nghèo.

Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền địa phương và NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Theo ông, nguồn vốn này không chỉ mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình ông mà còn giúp nhiều hộ dân trong ấp có thêm điều kiện làm ăn, cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo.

“Nhờ có thu nhập ổn định, tôi đã tích lũy để trả dần khoản vay và hiện chỉ còn nợ khoảng 10 triệu đồng. Dự định tới đây, khi đáo hạn khoản vay, tôi sẽ hoàn tất việc trả nợ cũ và tiếp tục đề xuất vay thêm để mở rộng diện tích canh tác,” ông Tỷ chia sẻ thêm.

Tương tự là trường hợp của hộ ông Trần Thanh Hải (57 tuổi, ngụ ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu). Năm 2022, gia đình ông Hải được NHCSXH cho vay 40 triệu đồng, từ nguồn vốn vay ông đã mở rộng diện tích trồng Măng Tây của gia đình từ 1.000m2 lên 3.000m2.

img_1673.jpg
Nhờ nguồn vốn vay người nông dân có cơ sở đầu tư chăm sóc cây trồng, rau màu để phát triển kinh tế

Theo ông Hải, với hiệu quả kinh tế cao và tương đối dễ trồng, giá mỗi kg hiện nay bán cho các thương lái mua tại vườn là 80.000/1kg năm, trừ tất cả chi phí, hàng năm ông thu trên 100 triệu đồng.

“Năm 2020, gia đình tôi đang là hộ cận nghèo của xã, tuy nhiên từ khi có được nguồn vốn làm ăn đến năm 2023 gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi rất biết ơn chính sách cho vay ưu đãi nguồn vốn từ nhà nước.

Thời gian tới rất mong Đảng, Nhà nước, NHCSXH tiếp tục quan tâm đến người dân yếu thế có hoàn cảnh khó khăn thiếu vốn sản xuất để có nguồn vốn tạo động lực giúp thêm nhiều người có cuộc sống tốt hơn”.

Góp phần cùng công tác giảm nghèo

Bà Dương Thị An Til – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu (thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP.Bạc Liêu) cho biết, tính đến thời điểm 31/3/2025, tổng số người dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh trên địa bàn xã là 1.895 người với tổng dư nợ tín dụng chính sách 48.452 triệu đồng.

Nhiều hộ dân nghèo, hộ dân vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả cùng công tác giảm nghèo của địa phương.

img_1664.jpg
Bà Dương Thị An Til – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu ( thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP.Bạc Liêu)

Thời gian tới, UBND xã chủ động, nỗ lực, phát huy mọi nguồn lực, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đặc biệt quan tâm kiểm tra các Tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng hoạt động chưa tốt (các tổ trung bình), những hộ vay sử dụng vốn kém hiệu quả để đề ra giải pháp chỉ đạo kịp thời.

“Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với NHCSXH tỉnh để cùng nhau thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nghiên cứu các chỉ tiêu cụ thể về đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng chính sách và đối chiếu kết quả thực hiện được trên địa bàn để có từng giải pháp, kế hoạch giao công việc, chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trên địa bàn”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông thông tin.

z6532396931458_9402278eafa64fb2182c41afc16df8c4.jpg
Cán bộ NHCSXH tỉnh tư vấn cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay

Theo số liệu báo cáo của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm 9.916 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 5,09% (đầu giai đoạn 2022-2025) giảm xuống còn 0,69% vào cuối năm 20;

Cho vay 37.795 lượt hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng tổng số hộ được thụ hưởng 02 chương trình tín dụng này lên 40.079 hộ và đã góp phần giảm 10.519 hộ cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 6,54% (đầu giai đoạn 2022-2025) xuống còn 1,86% vào cuối năm 20.

Ông Nguyễn Hữu Trân – Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp từ tỉnh đến cơ sở Tổ tiết kiệm và vay vốn, đánh giá cơ bản các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, vươn lên thoát nghèo và kinh tế phát triển hơn trước.

Đối với nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển dịch vụ, duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học, ...

Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

img_1412.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trân – Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bạc Liêu

Ngoài ý nghĩa kinh tế, tín dụng chính sách xã hội mang lại nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, góp phần thực hiện chiến lược xuyên suốt của tỉnh về phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước;

"Đồng thời tăng cường tính chủ động, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân vào chính sách bao cấp, cho không của nhà nước; đồng thời, thông qua việc triển khai tín dụng chính sách xã hội giúp chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội”, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH