Một vụ nhầm lẫn hy hữu đã xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khi bác sĩ đưa một bệnh nhân bị tai nạn lao động gãy đốt sống ngực vo phng b bột, khoan bắn đinh vo chân.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Đức Thịnh (30 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bị tai nạn lao động được chẩn đoán gãy đốt sống ngực số 8. Tuy nhiên khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị lại bị khoan nhầm cẳng chân.
Theo lời kể của người nhà, anh Thịnh bị ngã xuống đất khi đang làm công ở Cà Mau ngày 11/6 và được đưa đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ xác định anh bị đa chấn thương phần mềm, gãy đốt sống ngực số 8.
Sau đó, anh tiếp tục chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Ngày 12/6, anh Thịnh chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Khoảng 2h00 ngày 13/6, khi chưa có kết quả xét nghiệm, anh Thịnh được đẩy vào phòng bó bột.
Dù bệnh nhân thắc mắc về việc chỉ bị chấn thương cột sống chứ không bị gãy chân, các bác sĩ tại đây vẫn tiêm vào chân anh Thịnh 2 mũi thuốc tê rồi bắt đầu khoan. Khi mũi khoan đâm vào xương khiến bệnh nhân đau và hét lên thì có y tá bên ngoài chạy vào hỏi thăm và xem hồ sơ bệnh án mới phát hiện khoan vào chân là nhầm lẫn.
Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi xảy ra sự việc
Liên quan đến sự việc, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát. Đồng thời, bệnh viện đã có buổi trao đổi với gia đình bệnh nhân do bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các khoa Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình, Cấp cứu.
Theo biên bản làm việc, bác sĩ Việt thừa nhận Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhầm lẫn khi thực hiện xuyên đinh chân bệnh nhân Thịnh.
Bên cạnh đó, bệnh viện phải chi trả chi phí điều trị sự nhầm lẫn này. "Bệnh viện gây ra nhầm lẫn thì bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trước bệnh nhân cùng gia đình và sẽ xử lý các cá nhân liên quan”, ông Việt trình bày trong biên bản.
Đồng thời, biên bản cũng khẳng định là việc nhầm lẫn xuyên đinh chân bệnh nhân không ảnh hưởng đến chức năng vận động. Lỗ khoan xương này sẽ tự lành sau 6 tháng mà không cần can thiệp với phương pháp nào và không gây di chứng cho bệnh nhân. Đồng thời, lỗ khoan xương này không liên quan gì đến vấn đề cột sống của bệnh nhân.