Theo đánh giá, còn nhiều địa phương, đơn vị tại Thanh Hóa làm chưa tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, tinh thần, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở chưa cao, chưa quyết liệt, cùng với năng lực, trình độ của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế.
Ngày 5/12, Chủ tịch UBND Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì Hội nghị về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Thời gian qua, trong quá trình chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công, đến tháng 11/2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 36 văn bản, tổ chức 5 hội nghị giao ban toàn tỉnh, quyết liệt chỉ đạo các các chủ đầu tư, các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thành lập 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, các đơn vị trên địa bàn tỉnh; phân công từng thành viên UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn năm 2023.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.9,312 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỷ đồng, bằng 99,8% KH cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án (trong đó phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư).
Việc phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023 đã tuân thủ các điều kiện, nguyên tắc, tiêu chí và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của pháp luật đầu tư công và các văn bản liên quan.
Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công của cả nước còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, đó là: Đến ngày 25/11, giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) được 9.181 tỷ đồng, bằng 61,5% KH (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023), tuy thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ, song cao hơn 2,03% so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% KH); 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 03 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Nguyên nhân được chỉ ra do hạn chế, khó khăn và vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách; vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện và tính đặc thù của kế hoạch năm 2023. Cụ thể như Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng 2% so với năm 2022 và tăng 35,7% so với năm 2021.
Trong khi năm 2023, ngoài việc điều hành kế hoạch vốn năm của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn của các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (chiếm 6,2% tổng nguồn của cả tỉnh), các dự án sử dụng vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 (chiếm 16,2%), gây áp lực cho việc giải ngân vốn…
Cùng với đó, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng cũng được báo cáo nêu rõ. Tính đến đến ngày 25/11/2023, còn 23 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất (trong đó có 22 dự án đã lựa chọn được nhà thầu và đang thi công). Đặc biệt, đến ngày 4/12/2023 vẫn còn 17 dự án chưa lựa chọn được nhà thầu xây lắp...
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá, vốn đầu tư công thường tập trung cho hạ tầng, giao thông, các huyện nghèo,…Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh lớn, rộng, nhiều đơn vị hành chính do vậy ưu tiên tối đa nguồn đầu tư công cho các huyện, thị xã, thành phố. Đây là sự quan tâm rất lớn của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh dành cho các địa phương.
Hiện có nhiều sở, ngành, đơn vị làm tốt; tuy nhiên ngược lại cũng còn nhiều địa phương, đơn vị làm chưa tốt; tinh thần, trách nhiệm, sự lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở chưa cao, chưa quyết liệt; năng lực, trình độ của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ và năng lực nhà thầu còn nhiều hạn chế...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án, từng khâu trong quá trình thực hiện để có hướng xử lý, tháo gỡ kịp thời. Đồng thời lưu ý, trong quá trình thực hiện phải gắn với kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả thực thi.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, nguyên tắc bố trí vốn phải đúng theo quy định của pháp luật và có sự linh hoạt trong triển khai, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu ứng và thanh toán khối lượng. Đối với các nhà thầu thi công chậm trễ thì chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện.
Các ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Từ đó tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm; quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của năm 2023 đã đề ra và chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 20.